CÂU HỎI KHÁCH HÀNG:
Ông Nguyễn Văn A kinh doanh trong lĩnh vực cầm đồ được phòng Tài chính – Kế hoạch cấp cho giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh tại địa điểm B và được công an huyện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự tại địa điểm B. Ngày 12/4/2019, ông A bị công an huyện xử phạt vi phạm hành chính về việc kinh doanh không đúng địa điểm trong giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Vậy công an huyện xử phạt như vậy có đúng không? Hay là còn thiếu hành vi kinh doanh không đúng địa điểm trong giấy chứng nhận hộ kinh doanh theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP?
LUẬT SƯ TRẢ LỜI:
Điểm d khoản 1 Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định: “Một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm”.
Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 67 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 cũng quy định: “Trường hợp một cá nhân, tổ chức thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính mà bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính”.
Như vậy, theo các quy định nêu trên, trong trường hợp một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm. Nếu người đó bị xử phạt trong cùng một lần thì chỉ ra 01 quyết định xử phạt, trong đó quyết định hình thức, mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm hành chính.
Khoản 2 và khoản 5 Điều 11 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định:
“2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Kinh doanh không đúng ngành, nghề, địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự;
……
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2; Điểm d Khoản 3 Điều này;…”
Theo quy định này, hành vi kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng.
Khoản 4 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: “Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” gồm giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; giấy phép đầu tư; giấy chứng nhận đầu tư; giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của tổ chức kinh tế và giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh”.
Khoản 1 và khoản 5 Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP) quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
…….
5. Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm quy định từ Khoản 1 đến Khoản 4 Điều này trong trường hợp kinh doanh ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện”.
Như vậy, theo quy định tại khoản 4 Điều 3 và khoản 1, khoản 5 Điều 6 Nghị định 185/2013/NĐ-CP thì hành vi hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh trong lĩnh vực cầm đồ sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng.
Đối chiếu các quy định trên với trường hợp của ông Nguyễn Văn A, thấy rằng: ông Nguyễn Văn A kinh doanh trong lĩnh vực cầm đồ được phòng Tài chính – Kế hoạch cấp cho giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh tại địa điểm B và được công an huyện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự tại địa điểm B. Tuy nhiên, thực tế ông A thực hiện việc kinh doanh tại địa điểm khác, không phải là địa điểm B. Như vậy, ông A đã thực hiện 02 hành vi vi phạm hành chính gồm: (1) hành vi kinh doanh không đúng địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự và (2) hành vi hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Căn cứ điểm b khoản 4 Điều 66 Nghị định 167/2013/NĐ-CP và khoản 4 Điều 103a Nghị định 185/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP) thì thẩm quyền xử phạt đối với 02 hành vi vi phạm nêu trên thuộc thẩm quyền của Trưởng Công an cấp huyện. Trong trường hợp này, Trưởng Công an cấp huyện phải ra quyết định xử phạt động thời cả 02 hành vi vi phạm nói trên của ông A. Việc Trưởng Công an cấp huyện ra quyết định xử phạt ngày 12/4/2019, trong đó, chỉ phạt ông A về hành vi kinh doanh không đúng địa điểm trong giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự theo Nghị định 167/2013/NĐ-CP là không phù hợp với quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.