CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:
Bên cạnh nhà tôi có một công trình xây dựng đang thi công. Chủ đầu tư, nhà thầu không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho các hộ liền kề. Ví dụ, sử dụng giàn giáo bằng tre, xô lệch; vận thang chuyển gạch đá cát sỏi tạm bợ; không có tấm chắn xung quanh… Đặc biệt, đã có cây to được trồng chưa bén rễ bị đổ làm hỏng tường bao nhà tôi.
Khi tôi phản ánh, chính quyền sở tại không có động thái gì, mà đề nghị hai bên thỏa thuận. Chủ đầu tư cho rằng họ làm trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng riêng, việc trồng cây theo bảo hành của nhà vườn nơi họ mua, nên chỉ hỗ trợ tiền công xây lại, chi phí vật liệu tôi phải trả.
Xin hỏi, chủ đầu tư, nhà thầu hay người bán cây phải có trách nhiệm đảm bảo an toàn, bồi thường cho gia đình tôi.
TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ
Quy định về nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng, theo Điều 174 Bộ luật dân sự năm 2015, “khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh”.
Nguyên tắc chung trong quản lý chất lượng công trình xây dựng, theo khoản 1 Điều 4 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng cũng quy định: “Công trình xây dựng phải được kiểm soát chất lượng theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan từ chuẩn bị, thực hiện đầu tư xây dựng đến quản lý, sử dụng công trình nhằm đảm bảo an toàn cho người, tài sản, thiết bị, công trình và các công trình lân cận”. Nếu là công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ, theo khoản 1 Điều 7 của Nghị định này, “công tác quản lý chất lượng xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho con người, tài sản, thiết bị, công trình, các công trình lân cận và môi trường xung quanh”.
Theo thông tin bạn cung cấp, do không thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cho các hộ liền kề, thậm chí cây đổ làm hỏng tường bao nhà bạn, chủ đầu tư, nhà thầu của công trình đã không tôn trọng nguyên tắc quản lý chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, trách nhiệm bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại được quy định tại Điều 177 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“1. Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu.
2. Khi đào giếng, đào ao hoặc xây dựng công trình dưới mặt đất, chủ sở hữu công trình phải đào, xây cách mốc giới một khoảng cách do pháp luật về xây dựng quy định.
Khi xây dựng công trình vệ sinh, kho chứa chất độc hại và các công trình khác mà việc sử dụng có khả năng gây ô nhiễm môi trường thì chủ sở hữu tài sản đó phải xây cách mốc giới một khoảng cách và ở vị trí hợp lý, phải bảo đảm vệ sinh, an toàn và không làm ảnh hưởng đến chủ sở hữu bất động sản khác.
3. Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường”.
Căn cứ quy định nêu trên, nếu cây cối, công trình gây thiệt hại cho gia đình bạn và các hộ liền kề, chủ đầu công trình xây dựng với tư cách là chủ sở hữu có trách nhiệm bồi thường.
Tuy nhiên, quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại, pháp luật hiện tại là chỉ ra không chỉ chủ sở hữu, mà người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng, cây cối, trong từng trường hợp và điều kiện có trách nhiệm bồi thường. Đó là:
– Điều 604 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý phải bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra”.
– Điều 605 Bộ luật này quy định: “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.
Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường”.
Có nghĩa là, nhà thầu thi công, người được giao quản lý công trình xây dựng, chăm sóc cây cối phải có trách nhiệm theo dõi, phát hiện, ngăn chặn những nguy cơ có thể gây ra thiệt hại. Nếu để công trình xây dựng, cây cối gây thiệt hại cho người khác phải chịu trách nhiệm bồi thường liên đới.
Do vậy, tùy yếu tố lỗi được xác định của ai, chi phí vật liệu, nhân công để xây lại tường bao cho gia đình bạn sẽ do chủ đầu tư, nhà thầu thi công hoặc nhà vườn bán, chăm sóc cây chịu trách nhiệm chi trả hoặc liên đới chịu trách nhiệm chi trả. Bởi lẽ, theo khoản 1 Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015, “thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Ngoài ra, chủ thể có hành vi vi phạm quy định về tổ chức thi công xây dựng còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1, 2 Điều 13 Nghị định số 121/2013/NĐ-CP ngày 10/10/2013 của Chính phủ như sau:
“1. Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh hoặc để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình.
Xử phạt đối với hành vi tổ chức thi công công trình vi phạm các quy định về xây dựng gây lún, nứt, hư hỏng công trình lân cận hoặc công trình hạ tầng ký thuật như sau:
a) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ nông thôn hoặc công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản này;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ ở đô thị;
c) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với xây dựng công trình thuộc trường hợp phải lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng công trình hoặc lập dự án đầu tư xây dựng công trình”.