Ép theo tôn giáo mới cho kết hôn là vi phạm pháp luật

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG

Gia đình bạn gái của em trai tôi theo đạo. Họ cương quyết đưa ra điều kiện em trai tôi phải theo đạo này thì mới đồng ý cho hai đứa kết hôn.

Em trai tôi đã bàn với bạn gái về việc chiều lòng bố mẹ, gia nhập và sau khi cưới sẽ bỏ đạo. Tuy nhiên, điều này cũng không được bạn gái cậu ấy nhất trí.

Em trai tôi đang rất bối rối vì chuyện này nhưng cũng chưa biết thuyết phục bạn gái và gia đình cô ấy như thế nào?

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ

Điều 24 Hiến pháp năm 2013 quy định:

“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.

2.Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

3.Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”.

Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người được quy định tại Điều 6 Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 như sau:

“1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2.Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo.

3.Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo. Người chưa thành niên khi vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý.

4.Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác.

5.Người bị tạm giữ, người bị tạm giam theo quy định của pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam; người đang chấp hành hình phạt tù; người đang chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có quyền sử dụng kinh sách, bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo.

6.Chính phủ quy định chi tiết việc bảo đảm thực hiện các quyền quy định tại khoản 5 Điều này”.

Có nghĩa là, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền cơ bản của công dân. Theo đó, mỗi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Pháp luật cũng quy định không ai được xâm phạm quyền này của người khác.

Cụ thể, theo Điều 5 của Luật này, các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm:

“1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

2.Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo.

3.Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo.

4.Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo:

a) Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường;

b) Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;

c) Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân;

d) Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa những người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau.

5.Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi”.

Nếu gia đình bạn gái em trai bạn đặt điều kiện phải theo đạo mới đồng ý cho kết hôn, họ đã có hành vi ép buộc người khác theo tôn giáo. Bên cạnh đó, họ còn vi phạm pháp luật hôn nhân và gia đình vì đã có hành vi cản trở kết hôn của người khác.

Cản trở kết hôn là việc đe dọa, uy hiếp tinh thần, hành hạ, ngược đãi, yêu sách của cải hoặc hành vi khác để ngăn cản việc kết hôn của người có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.

Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định nội dung bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình như sau:

“1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.

2.Cấm các hành vi sau đây:

a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;

e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;

g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;

h) Bạo lực gia đình;

i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.

3.Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.

4.Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình”.

Tóm lại, gia đình bạn gái không có quyền ép buộc em trai bạn theo một tôn giáo, cũng như không được cản trở em trai bạn kết hôn với con gái họ, nếu hai người đảm bảo điều kiện kết hôn.

Có điều, theo chúng tôi em trai bạn và bạn gái nên tìm cách thuyết phục gia đình bạn gái để vừa đảm bảo quy định của pháp luật được thực hiện, đồng thời, duy trì và phát triển tình cảm, hạnh phúc gia đình.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ