Không mua hàng sau khi dùng thử

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Tôi đang có nhu cầu mua một bộ dàn âm thanh dùng để nghe nhạc. Trong hợp đồng mẫu của siêu thị điện máy có điều khoản khách hàng được dùng thử trong vòng 30 ngày. Sau thời gian đó, nếu không hài lòng với chất lượng sản phẩm, khách hàng có thể trả lại. Tuy nhiên, người mua phải cam kết giữ nguyên tem mác, thùng hộp, không làm hỏng hóc, trầy xước… Nếu không sẽ phải bồi thường và chịu phạt vi phạm.

Đề nghị các anh chị cho biết, quy định như vậy có được hiểu là hợp đồng vẫn chưa có hiệu lực, tôi có thể sử dụng hàng hóa, nhưng chưa phải trả tiền hay không? Giả sử tôi trả tiền, sau đó không quyết định mua hàng nữa thì có bị siêu thị trừ tiền hay không?

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ

Hợp đồng mua bán tài sản, theo Điều 430 Bộ luật Dân sự năm 2015, “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật nhà ở và luật khác có liên quan”.

Mua bán với điều kiện dùng thử hiện được áp dụng ngày càng nhiều, đặc biệt phổ biến đối với các sản phẩm mới, công nghệ cao trong lĩnh vực cơ khí, điện, điện tử. Thông qua việc thực hiện điều kiện này như một hình thức khuyến mãi, khẳng định chất lượng, người bán tiêu thụ được nhiều sản phẩm. Đồng thời, người mua cũng yên tâm hơn khi quyết định đầu tư tài chính để được sử dụng hàng hóa đúng với nhu cầu. Cho nên, việc siêu thị điện máy nơi bạn mua bộ dàn âm thanh áp dụng điều kiện mua sau khi dùng thử cũng không phải là một ngoại lệ.

Thỏa thuận này được pháp luật thừa nhận, có cơ chế bảo vệ quyền và xác định trách nhiệm của các bên tham gia. Cụ thể, Điều 452 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về việc mua sau khi dùng thử như sau:

“1. Các bên có thể thoả thuận về việc bên mua được dùng thử vật mua trong một thời hạn gọi là thời hạn dùng thử. Trong thời hạn dùng thử, bên mua có thể trả lời mua hoặc không mua; nếu hết thời hạn dùng thử mà bên mua không trả lời thì coi như đã chấp nhận mua theo các điều kiện đã thoả thuận trước khi nhận vật dùng thử.

Trường hợp các bên không thỏa thuận hoặc thỏa thuận không rõ ràng về thời hạn dùng thử thì thời hạn này được xác định theo tập quán của giao dịch có đối tượng cùng loại.

2.Trong thời hạn dùng thử, vật vẫn thuộc sở hữu của bên bán. Bên bán phải chịu mọi rủi ro xảy ra đối với vật, trừ trường hợp có thoả thuận khác. Trong thời hạn dùng thử, bên bán không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, thế chấp, cầm cố tài sản khi bên mua chưa trả lời.

3.Trường hợp bên dùng thử trả lời không mua thì phải trả lại vật cho bên bán và phải bồi thường thiệt hại cho bên bán, nếu làm mất, hư hỏng vật dùng thử. Bên dùng thử không phải chịu trách nhiệm về những hao mòn thông thường do việc dùng thử gây ra và không phải hoàn trả hoa lợi do việc dùng thử mang lại”.

Điều khoản mua sau khi dùng thử được hiểu là điều kiện làm phát sinh hay chấm dứt hiệu lực của hợp đồng mua bán. Do vậy, mặc dù đã được ký kết, nhưng trên thực tế hợp đồng vẫn chưa phát sinh hiệu lực ngay. Đó là:

– Trong thời gian dùng thử, nếu người mua trả lời chấp nhận mua, hợp đồng phát sinh hiệu lực. Ngược lại, nếu người mua trả lời không mua, hợp đồng không phát sinh hiệu lực.

– Hết thời hạn dùng thử, nếu người mua không trả lời cũng được coi là chấp nhận mua theo các điều kiện đã thỏa thuận trước khi nhận vật dùng thử.

Trong thời gian dùng thử, mặc dù được chiếm hữu, sử dụng hàng hóa, tuy nhiên, người mua chưa được chuyển giao quyền sở hữu, mà quyền này vẫn thuộc người bán. Pháp luật cũng quy định người bán không được bán, tặng cho, cho thuê, trao đổi, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh khi bên mua chưa trả lời có mua tài sản hay không sau khi dùng thử.

Hệ quả của việc người mua trả lời không mua sau khi dùng thử là hợp đồng mua bán bị hủy bỏ, các bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận từ bên còn lại. Trong trường hợp của bạn, bạn sẽ trả lại siêu thị điện máy bộ dàn âm thanh và siêu thị điện máy có trách nhiệm trả lại tiền cho bạn.

Có thể nói, pháp luật dân sự tôn trọng thỏa thuận của các bên, bao gồm cả thời hạn thực hiện hợp đồng, tiến độ thanh toán. Tuy vậy, khi đã thỏa thuận, các bên có trách nhiệm phải thực hiện đúng cam kết.

Điều 434 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán như sau:

“1. Thời hạn thực hiện hợp đồng mua bán do các bên thoả thuận. Bên bán phải giao tài sản cho bên mua đúng thời hạn đã thoả thuận; bên bán chỉ được giao tài sản trước hoặc sau thời hạn nếu được bên mua đồng ý.

2.Khi các bên không thoả thuận thời hạn giao tài sản thì bên mua có quyền yêu cầu bên bán giao tài sản và bên bán cũng có quyền yêu cầu bên mua nhận tài sản bất cứ lúc nào, nhưng phải báo trước cho nhau một thời gian hợp lý.

3.Bên mua thanh toán tiền mua theo thời gian thỏa thuận. Nếu không xác định hoặc xác định không rõ ràng thời gian thanh toán thì bên mua phải thanh toán ngay tại thời điểm nhận tài sản mua hoặc nhận giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản”.

Theo đó, việc bạn được dùng hàng hóa là chắc chắn, nhưng bạn có phải thanh toán tiền hàng cho siêu thị điện máy hay không phụ thuộc vào nội dung của hợp đồng. Thông thường, rất ít người bán chấp nhận để người mua sử dụng sản phẩm của họ khi chưa thanh toán tiền, với hợp đồng có điều khoản dùng thử cũng vậy.

Siêu thị điện máy yêu cầu người mua đảm bảo giữ nguyên tem mác, thùng hộp, không làm hỏng hóc, trầy xước trong thời gian dùng thử là phù hợp với tập quán thương mại và quy định của pháp luật. Vi phạm nghĩa vụ này, nếu gây thiệt hại, người mua có trách nhiệm bồi thường. Thỏa thuận phạt vi phạm nếu được quy định trong hợp đồng phải thực hiện theo Điều 418 Bộ luật này như sau:

“1. Phạt vi phạm là sự thoả thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm.

2.Mức phạt vi phạm do các bên thoả thuận, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

3.Các bên có thể thoả thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại.

Trường hợp các bên có thoả thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm”.

Nếu hợp đồng không quy định rõ ràng, siêu thị điện máy không thể tự ý trừ tiền của bạn, các bên có thể thỏa thuận về nội dung này hoặc thực hiện thủ tục yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ