Không trả lại tiền người khác trả nhầm thì như thế nào?

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Tôi mua một số đồ gia dụng, thời trang xách tay của một người thông qua giao dịch trên facebook, sau đó đến địa chỉ quán café để nhận hàng, trả tiền.

Do sơ xuất, tôi đã trả nhầm cho họ số tiền lớn hơn trị giá hàng hóa rất nhiều. Ngay khi phát hiện sự việc, tôi nhắn tin trên messenger thông báo và được người này xác nhận đúng là tôi đã trả thừa tiền, đồng thời hẹn sau chuyến đi mua hàng ở Pháp về sẽ liên hệ để trả lại.

Tuy nhiên, cũng từ đó người người này chặn hết mọi liên lạc với tôi, đóng facebook, tắt máy điện thoại di động.

Việc nhầm lẫn đúng là do lỗi của tôi. Mong các anh chị giải đáp, nếu họ cố tình không trả lại, tôi có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết hay không?

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ

Theo quy định của pháp luật dân sự, chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp như chủ sở hữu chiếm hữu tài sản; người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản; người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật; người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan; người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan hoặc trường hợp khác do pháp luật quy định.

Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định nêu trên là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật.

Rõ ràng, người nhận tiền của bạn nhiều hơn trị giá hàng hóa mà hai bên đã thỏa thuận trước đó, mặc dù do bạn nhầm lẫn thì cũng là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Họ phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại cho bạn. Cụ thể, Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về nộ dung này như sau:

“1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.

2.Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”.

Theo khoản 1 Điều 580 của Bộ luật này, “người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được”.

Tóm lại, hoàn trả số tiền thừa là trách nhiệm của người đã nhận tiền của bạn, đồng nghĩa, bạn có quyền yêu cầu họ trả lại cho mình. Nếu họ không thực hiện nghĩa vụ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ, bạn có thể đề nghị, tố cáo hành vi này đến cơ quan có thẩm quyền để được giải quyết.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, số tiền thừa là bao nhiêu người này có thể bị xử lý hành chính hoặc phải chịu trách nhiệm hình sự.

1.Trường hợp bị xử lý vi phạm hành chính:

Vi phạm quy định về gây thiệt hại đến tài sản của người khác ẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 15 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ như sau:

“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Trộm cắp tài sản;

b) Công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác;

c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;

d) Sử dụng trái phép tài sản của người khác.

2.Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác;

b) Gây mất mát, hư hỏng hoặc làm thiệt hại tài sản của Nhà nước được giao trực tiếp quản lý;

c) Dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản;

d) Gian lận hoặc lừa đảo trong việc môi giới, hướng dẫn giới thiệu dịch vụ mua, bán nhà, đất hoặc các tài sản khác;

đ) Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có;

e) Chiếm giữ trái phép tài sản của người khác.

3.Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại Điểm a, b, c Khoản 1; Điểm c, đ, e Khoản 2 Điều này.

4.Người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, thì tùy theo mức độ vi phạm có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

2.Trường hợp bị xử lý hình sự:

Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội chiếm giữ trái phép tài sản như sau:

“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2.Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ