CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG: Cách đây 5 năm tôi sơ ý đánh rơi chiếc dây chuyền bằng vàng tây, là quà cưới mà bố mẹ tôi tặng. Vô tình hôm rồi tôi thấy cháu bé gia đình hàng xóm mới chuyển đến ở gần nhà tôi đeo chiếc dây chuyền này. Hỏi han qua lại thì tôi được biết, lúc mẹ cháu nhặt được cũng đã thông báo nhưng không ai nhận. Có điều, chị ấy nhất quyết không trả lại tôi vì kể từ khi con chị ấy đeo, cháu có vẻ gặp nhiều may mắn như ăn ngoan, ngủ ngon và học hành giỏi giang. Thêm nữa, chị ấy đã phải thuê cửa hàng kim hoàn đánh bóng, hàn lại chiếc dây chuyền. Chị ấy còn đề xuất hỗ trợ tôi 50% chi phí để mua chiếc dây chuyền khác cùng loại.
Tôi có thể lấy lại chiếc dây chuyền hay không vì mặc dù giá trị vật chất không lớn, nhưng đó là kỷ niệm của vợ chồng tôi.
TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ
Về nguyên tắc, người nhặt được chiếc dây chuyền có nghĩa vụ trả lại cho bạn. Mặc dù họ nhặt được, đã thông báo công khai nhưng chưa đủ điều kiện theo quy định của pháp luật để xác định họ được chiếm hữu chiếc dây chuyền này là có căn cứ pháp luật.
Điều 165 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về Chiếm hữu có căn cứ pháp luật như sau:
“1. Chiếm hữu có căn cứ pháp luật là việc chiếm hữu tài sản trong trường hợp sau đây:
a) Chủ sở hữu chiếm hữu tài sản;
b) Người được chủ sở hữu ủy quyền quản lý tài sản;
c) Người được chuyển giao quyền chiếm hữu thông qua giao dịch dân sự phù hợp với quy định của pháp luật;
d) Người phát hiện và giữ tài sản vô chủ, tài sản không xác định được ai là chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
đ) Người phát hiện và giữ gia súc, gia cầm, vật nuôi dưới nước bị thất lạc phù hợp với điều kiện theo quy định của Bộ luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan;
e) Trường hợp khác do pháp luật quy định.
2.Việc chiếm hữu tài sản không phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều này là chiếm hữu không có căn cứ pháp luật”.
Nói cách khác, người nhặt được chiếc dây chuyền của bạn đang chiếm hữu tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật. Bởi lẽ, theo Điều 236 của Bộ luật này, “người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.
Do vậy, với tư cách chủ sở hữu chiếc dây chuyền, bạn có quyền đòi lại tài sản được quy định tại Điều 166 của Bộ luật này. Đó là:
“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2.Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó”.
Tương ứng, người nhặt được chiếc dây chuyền có nghĩa vụ trả lại cho bạn theo quy định tại Điều 579 Bộ luật này:
“1. Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này.
2.Người được lợi về tài sản mà không có căn cứ pháp luật làm cho người khác bị thiệt hại thì phải hoàn trả khoản lợi đó cho người bị thiệt hại, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”.
Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản mà không có căn cứ pháp luật phải hoàn trả toàn bộ tài sản đã thu được. Trường hợp tài sản hoàn trả là vật cùng loại, nhưng bị mất hoặc hư hỏng thì phải trả vật cùng loại hoặc đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Chiếc dây chuyền của bạn, với ý nghĩa là quà cưới của bố mẹ tặng hai vợ chồng là vật đặc định, nếu không có sự thỏa thuận khác, chẳng hạn bạn đồng ý nhận lại bằng tiền, hay bằng chiếc dây chuyền khác, thì người nhặt được phải trả lại cho bạn chính chiếc dây chuyền đó. Bởi vì, theo khoản 2 Điều 580 Bộ luật này, “trường hợp tài sản hoàn trả là vật đặc định thì phải hoàn trả đúng vật đó; nếu vật đặc định đó bị mất hoặc hư hỏng thì phải đền bù bằng tiền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Tóm lại, người nhặt được chiếc dây chuyền có trách nhiệm trả lại cho bạn đúng chiếc dây truyền này. Việc người này đề nghị hỗ trợ bạn 50% chi phí mua lại chiếc dây chuyền khác, nếu không được sự đồng ý của bạn là không đúng quy định của pháp luật.
Khi nhận lại chiếc dây chuyền, bạn có thể phải thanh toán chi phí cần thiết mà người nhặt được đã bỏ ra để bảo quản, làm tăng giá trị của tài sản.