Bồi thường thiệt hại trong tình thế cấp thiết.

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Em trai tôi làm nghề lái xe tải. Vừa rồi, trên đường chở hàng từ Hà Nội đi Vĩnh Phúc, gặp tình huống 2 em học sinh đi xe đạp đột nhiên rẽ trái sang đường, em trai tôi đã phản xạ rất nhanh, đánh tay lái sang phải để tránh gây tai nạn. Tuy nhiên, xe em tôi bị đổ, không những bị hư hỏng mà còn đè vào 1 chiếc xe máy đang đỗ trên vỉa hè.

Vì chiếc xe máy không mua bảo hiểm, cho nên chủ xe yêu cầu em trai tôi phải bồi thường một chiếc xe máy mới cùng loại. Xin hỏi, em trai tôi có phải bồi thường như vậy không?

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ

Theo khoản 1 Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015, “người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Theo đó, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có các điều kiện như có thiệt hại xảy ra; hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật; có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật và thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường thiệt ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có sự thiệt hại về tài sản hoặc sự thiệt hại về tinh thần. Sự thiệt hại về tài sản là sự mất mát hoặc giảm sút về một lợi ích vật chất được pháp luật bảo vệ; thiệt hại về tài sản có thể tính toán được thành một số tiền nhất định.

Hành vi trái pháp luật trong trách nhiệm dân sự là những xử sự cụ thể của chủ thể được thể hiện thông qua hành động hoặc không hành động xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Ví dụ: Vi phạm điều cấm của pháp luật, thực hiện vượt quá giới hạn pháp luật cho phép…

Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại.

Chính vì vậy, khi xe của em trai bạn bị đổ đè lên chiếc xe máy, trên thực tế đã có thiệt hại xảy ra cho chủ chiếc xe máy này. Tuy nhiên, trách nhiệm bồi thường và mức bồi thường cụ thể như thế nào còn phải xem xét đầy đủ các yếu tố nêu trên.

Từ thông tin bạn cung cấp cho thấy, vì tránh gây tai nạn cho 2 em học sinh mà em trai bạn đã đánh lái đột ngột, dẫn đến xe của mình bị đổ và đè vào chiếc xe máy. Rất có thể, việc xử lý của em trai bạn thuộc trường hợp tình thế cấp thiết được quy định tại Điều 171 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đó là:

“1. Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh một nguy cơ đang thực tế đe dọa trực tiếp lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác mà không còn cách nào khác là phải có hành động gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn chặn.

2.Trong tình thế cấp thiết, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản không được cản trở người khác dùng tài sản của mình hoặc cản trở người khác gây thiệt hại đối với tài sản đó để ngăn chặn, làm giảm mối nguy hiểm hoặc thiệt hại lớn hơn có nguy cơ xảy ra.

3.Gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản bị thiệt hại trong tình thế cấp thiết được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 595 của Bộ luật này”.

Nếu thuộc trường hợp “gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết”, mặc dù có thiệt hại xảy ra nhưng đó không phải là hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Bởi vậy, em trai bạn sẽ không phải bồi thường thiệt hại cho chủ chiếc xe máy, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết.

Chủ sở hữu chiếc xe máy bị thiệt hại trong tình thế cấp thiết nêu trên được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 595 của Bộ luật này như sau:

“1. Trường hợp thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết thì người gây thiệt hại phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết cho người bị thiệt hại.

2.Người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại”.

Có nghĩa là, cần xác định thiệt hại xảy ra cho chủ xe máy có vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết hay không. Qua đó, mới có thể xác định em trai bạn với tư cách là người gây thiệt hại có phải bồi thường phần thiệt hại xảy ra do vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết hay không?

Về nguyên tắc, người đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến thiệt hại xảy ra thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Trong tình huống bạn nêu, 2 em học sinh đã gây ra tình thế cấp thiết dẫn đến em trai bạn phải đánh lái đột ngột, sau đó, xe bị đổ và gây thiệt hại cho chủ chiếc xe máy. Vì thế, 2 em học sinh này mới là người phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các em học sinh, cần nghiên cứu quy định tại Điều 586 của Bộ luật này. Cụ thể:

“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2.Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3.Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.

Tóm lại, nếu thiệt hại xảy ra từ tình thế cấp thiết, quan hệ bồi thường thiệt hại được đặt ra giữa người đã gây ra tình thế cấp thiết và người bị thiệt hại. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ