Hợp đồng điện tử và chữ ký điện tử mới nhất

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Chúng em là sinh viên của Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, khởi nghiệp bằng việc thiết lập, vận hành một trang facebook để bán hàng online. Đối tượng khách hàng mà chúng em hướng đến là những người trẻ, hiểu biết công nghệ, có khuynh hướng tiêu dùng thông minh.

Chính vì vậy, các giao dịch mua bán sẽ được ký kết thông qua phương thức điện tử để vừa đảm bảo tính tức thời, vừa xác định rõ quyền và nghĩa vụ của mỗi bên. Đề nghị các anh chị cho biết: Hợp đồng điện tử có giá trị pháp lý như hợp đồng được ký bằng văn bản hay không? Có nhất thiết trên hợp đồng điện tử phải có chữ ký của hai bên hay không?

LUẬT SƯ TƯ VẤN

Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Theo Điều 119 của Bộ luật này, hình thức của giao dịch dân sự bao gồm:

“1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2.Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó”.

Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Hợp đồng điện tử, theo Điều 33 của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, “là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu theo quy định của Luật này”.

Giao kết hợp đồng điện tử là việc sử dụng thông điệp dữ liệu để tiến hành một phần hoặc toàn bộ giao dịch trong quá trình giao kết hợp đồng. Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.

Điều 34 của Luật này quy định thừa nhận giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử. Theo đó, “giá trị pháp lý của hợp đồng điện tử không thể bị phủ nhận chỉ vì hợp đồng đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu”. Trong giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử, thông báo dưới dạng thông điệp dữ liệu có giá trị pháp lý như thông báo bằng phương pháp truyền thống.

Cũng cần lưu ý, lựa chọn giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải đảm bảo nguyên tắc các bên thỏa thuận sử dụng phương tiện điện tử; việc giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử và pháp luật về hợp đồng; các bên có quyền thoả thuận về yêu cầu kỹ thuật, chứng thực, các điều kiện bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật có liên quan đến hợp đồng điện tử đó.

Trong giao kết hợp đồng, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác, đề nghị giao kết hợp đồng và chấp nhận giao kết hợp đồng có thể được thực hiện thông qua thông điệp dữ liệu.

Khoản 4 Điều 400 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản”.

Theo khoản 1 Điều 119 của Bộ luật này, “giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản”.

Chính vì vậy, nếu hợp đồng mua bán là hợp đồng điện tử, việc giao kết yêu cầu hai bên phải ký và thể hiện bằng chữ ký điện tử.

Điều 21 Luật Giao dịch điện tử năm 2005 quy định về chữ ký điện tử như sau:

“1. Chữ ký điện tử được tạo lập dưới dạng từ, chữ, số, ký hiệu, âm thanh hoặc các hình thức khác bằng phương tiện điện tử, gắn liền hoặc kết hợp một cách lô gíc với thông điệp dữ liệu, có khả năng xác nhận người ký thông điệp dữ liệu và xác nhận sự chấp thuận của người đó đối với nội dung thông điệp dữ liệu được ký.

2.Chữ ký điện tử được xem là bảo đảm an toàn nếu chữ ký điện tử đó đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 22 của Luật này.

3.Chữ ký điện tử có thể được chứng thực bởi một tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử”.

Theo khoản 1 Điều 24 của Luật này, trong trường hợp pháp luật quy định văn bản cần có chữ ký thì yêu cầu đó đối với một thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng nếu chữ ký điện tử được sử dụng để ký thông điệp dữ liệu đó đáp ứng các điều kiện sau đây:

“a) Phương pháp tạo chữ ký điện tử cho phép xác minh được người ký và chứng tỏ được sự chấp thuận của người ký đối với nội dung thông điệp dữ liệu;

b) Phương pháp đó là đủ tin cậy và phù hợp với mục đích mà theo đó thông điệp dữ liệu được tạo ra và gửi đi”.

Người ký chữ ký điện tử hoặc người đại diện hợp pháp của người đó là người kiểm soát hệ chương trình ký điện tử và sử dụng thiết bị đó để xác nhận ý chí của mình đối với thông điệp dữ liệu được ký. Đồng thời, có các biện pháp để tránh việc sử dụng không hợp pháp dữ liệu tạo chữ ký điện tử của mình; Khi phát hiện chữ ký điện tử có thể không còn thuộc sự kiểm soát của mình, phải kịp thời sử dụng các phương tiện thích hợp để thông báo cho các bên chấp nhận chữ ký điện tử và cho tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử trong trường hợp chữ ký điện tử đó có chứng thực; áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm tính chính xác và toàn vẹn của mọi thông tin trong chứng thư điện tử trong trường hợp chứng thư điện tử được dùng để chứng thực chữ ký điện tử.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ