CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:
Vợ chồng cô nhân viên ở cơ quan tôi không thể có con do cô vợ gặp vấn đề ở tử cung. Cho nên, họ đã nhờ y học can thiệp và đồng ý yêu cầu của người môi giới và người mang thai hộ về việc nếu thành công sẽ trả cho người này 100 triệu.
Tuy nhiên, sau khi sinh em bé, người môi giới và người mang thai hộ đã đòi thêm số tiền 300 triệu đồng. Vì nghĩ rằng người này vi phạm thỏa thuận trước đó, đồng thời không có khả năng chi trả thêm nên vợ chồng họ đã khởi kiện ra tòa để đòi con.
Khi Tòa án đã tiếp nhận đơn, người môi giới và người mang thai hộ hộ rút xuống 100 triệu đồng và vợ chồng họ chấp nhận vay mượn để trả nhưng lại không được Tòa án công nhận như là một biện pháp hòa giải.
Theo tôi được biết thì pháp luật luôn tôn trọng thỏa thuận của các bên trong quan hệ dân sự. Tại sao trong trường hợp này Tòa án lại không đồng ý với thỏa thuận của họ?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Để bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 là “thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính”.
Đúng là pháp luật dân sự cho phép tổ chức, cá nhân xác lập, thực hiện chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận. Có điều, theo khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015, “mọi cam kết, thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và phải được chủ thể khác tôn trọng”.
Thỏa thuận giữa vợ chồng đồng nghiệp của bạn với người môi giới và người mang thai hộ nhưng vì mục đích thương mại như trên đã vi phạm điều cấm của pháp luật hôn nhân và gia đình. Cho nên, giao dịch dân sự đó vô hiệu. Bởi vì, Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.
Hòa giải là một trong những nguyên tắc quan trọng của Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm đảm bảo tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự, không được dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực, bắt buộc các đương sự phải thỏa thuận không phù hợp với ý chí của mình; Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội. Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án, Tòa án tiến hành hòa giải để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án trừ những vụ án dân sự không được hòa giải và những vụ án không tiến hành hòa giải được.
Cụ thể, Điều 206 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định những vụ án dân sự không được hòa giải bao gồm:
“1. Yêu cầu đòi bồi thường vì lý do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.
2.Những vụ án phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội”.
Điều 207 của Bộ luật này quy định những vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được bao gồm:
“1. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt.
2.Đương sự không thể tham gia hòa giải được vì có lý do chính đáng.
3.Đương sự là vợ hoặc chồng trong vụ án ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự.
4.Một trong các đương sự đề nghị không tiến hành hòa giải”.
Tóm lại, vì giao dịch giữa vợ chồng đồng nghiệp của bạn với người môi giới và người mang thai hộ vi phạm điều cấm của pháp luật, vụ án dân sự này không được thực hiện thủ tục hòa giải.
Người môi giới còn có thể bị xử lý hình sự về tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại được quy định tại Điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là:
“1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”