Vợ muốn mang thai hộ phải có sự đồng ý của chồng.

Vợ chồng chị gái tôi kết hôn hơn 10 năm nay, đã chạy chữa nhiều nơi nhưng chưa có con. Anh chị muốn tôi mang thai hộ. Nếu thành công, anh chị sẽ cho tôi phần đất mà ông bà nội đã tặng cho 2 chị em làm vốn.

Theo tư vấn của bác sỹ, ngoài một số điều kiện khác, tôi chỉ có thể làm điều này khi có sự đồng ý của chồng tôi. Tôi cũng đã đề cập chuyện này, nhưng chồng tôi viện hết lý do này, lý do khác để từ chối.

Nếu vợ chồng tôi đã ly thân và mỗi người ở một nhà từ lâu, tôi có thể không cần sự đồng ý của anh ấy, tự quyết định mang thai hộ vợ chồng chị gái mình hay không?

Trả lời

Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, theo khoản 22 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con”.

Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định tại Điều 95 của Luật này, trong đó có điều kiện của bên nhờ và bên mang thai hộ. Cụ thể:

“1. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.

2.Vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;

b) Vợ chồng đang không có con chung;

c) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

3.Người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;

b) Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;

c) Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;

d) Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;

đ) Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.

4.Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.

5.Chính phủ quy định chi tiết Điều này”.

Như vậy, thông tin về việc bạn đang có chồng, thì việc mang thai hộ phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng bạn là đúng. Nói cách khác, mặc dù vợ chồng bạn đã ly thân và không sống chung, nhưng pháp luật hiện nay vẫn thừa nhận sự tồn tại quan hệ hôn nhân giữa hai người. Bởi lẽ, theo khoản 13 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “thời kỳ hôn nhân là khoảng thời gian tồn tại quan hệ vợ chồng, được tính từ ngày đăng ký kết hôn đến ngày chấm dứt hôn nhân”.

Thêm nữa, khoản 1 Điều 57 của Luật này quy định: “Quan hệ hôn nhân chấm dứt kể từ ngày bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật”. Tòa án đã giải quyết ly hôn phải gửi bản án, quyết định ly hôn đã có hiệu lực pháp luật cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào sổ hộ tịch; hai bên ly hôn; cá nhân, cơ quan, tổ chức khác theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự và các luật khác có liên quan.

Tóm lại, khi chưa có bản án, quyết định ly hôn của Tòa án có hiệu lực pháp luật, muốn mang thai hộ cho vợ chồng chị gái, bạn cần có sự đồng ý bằng văn bản của chồng mình.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng lưu ý pháp luật hiện tại nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại – Đó là việc người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác. Cho nên, không được đặt điều kiện mang thai hộ cho vợ chồng chị gái để đổi lại phần đất mà hai chị em được ông bà nội đã cho tặng chung. Nếu có, đó phải là quan hệ cho tặng giữa chị gái bạn và bạn, dựa trên một giao dịch khác không liên quan đến việc bạn mang thai hộ vợ chồng họ.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ