CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:
Đầu năm 2015 tôi và bạn giai làm đám cưới. Sau vài tháng, tôi sinh một bé trai. Sở dĩ chúng tôi chưa đăng ký kết hôn vì cơ quan anh ấy yêu cầu xác minh lý lịch của vợ, nhưng nếu thực hiện thì gia đình tôi không đáp ứng một số điều kiện.
Nay chúng tôi không còn sống chung với nhau nữa, hai bên thỏa thuận để tôi nuôi con. Không biết, muốn kết hôn với người khác thì tôi có phải làm thủ tục xin ly hôn hoặc đáp ứng điều kiện gì hay không?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Đăng ký kết hôn như sau:
“1. Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý.
2.Vợ chồng đã ly hôn muốn xác lập lại quan hệ vợ chồng thì phải đăng ký kết hôn”.
Điều 14 của Luật này quy định về giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn. Cụ thể:
“1. Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này.
2.Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn”.
Căn cứ quy định nêu trên, mặc dù đã làm đám cưới, nhưng nếu hai bạn chưa đăng ký kết hôn, pháp luật hôn nhân và gia đình không thừa nhận hai bạn là vợ chồng của nhau với quyền và nghĩa vụ tương ứng.
Ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Chính vì vậy, về nguyên tắc khi các bạn chưa đăng ký kết hôn mà chia tay về mặt tình cảm và không sống chung với nhau, có yêu cầu ly hôn thì Tòa án vẫn thụ lý, giải quyết, nhưng chỉ tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa các bạn chứ không ban hành Bản án hay Quyết định giải quyết ly hôn. Bởi vì, khoản 4 Điều 3 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 giữa Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp quy định: “Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không có đăng ký kết hôn (không phân biệt có vi phạm điều kiện kết hôn hay không) và có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật hoặc yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý, giải quyết và áp dụng Điều 9 và Điều 14 của Luật hôn nhân và gia đình tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ. Nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con; quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật hôn nhân và gia đình”.
Bạn có quyền kết hôn với người khác khi đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật.
Kết hôn, theo khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.
Điều kiện kết hôn được quy định cụ thể tại Điều 8 của Luật này. Đó là:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2.Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Tóm lại, bạn có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa bạn và người cũ. Sau đó, nếu bạn và người mới đáp ứng các điều kiện nêu trên, các bạn có thể đăng ký kết hôn để được pháp luật công nhận quan hệ vợ chồng với nhau.