Nhận con và đề nghị thay đổi Họ của con do vợ cũ sinh ra sau khi ly hôn

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Vì không thể tiếp tục sống chung nên tháng 6 năm 2018 chúng tôi thuận tình ly hôn. Ngay sau đó, tôi đi học tiếp tiến sĩ tại nước ngoài.

Trong kỳ về nghỉ tết dương lịch vừa rồi tôi được biết vợ cũ của tôi sinh con. Bằng mọi cách tôi đến thăm và cô ấy không phủ nhận cũng như không công nhận cháu chính là con của tôi. Có điều, cô ấy nhất mực không cho tôi được xét nghiệm để làm rõ ràng chuyện này. Bởi vì, cô ấy cũng đã có mối quan hệ với người khác.

Xin hỏi, tôi có quyền nhận cháu là con hay không vì thời gian chúng tôi ly hôn mới được 7 tháng. Thêm nữa, cô ấy đã khai sinh và lấy Họ của mình cho cháu. Nếu đó là con tôi thì tôi có được xin đổi sang họ của mình hay không?

LUẬT SƯ TƯ VẤN

Theo khoản 1 Điều 88 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng.

Con được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hôn nhân được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân.

Con sinh ra trước ngày đăng ký kết hôn và được cha mẹ thừa nhận là con chung của vợ chồng”.

Như vậy, khi vợ cũ của bạn sinh con trong thời hạn 300 ngày kể từ thời điểm hai bạn ly hôn được coi là con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân giữa hai bạn. Về nguyên tắc, đó là con chung của vợ chồng bạn. Cho nên, bạn có quyền nhận cháu là con của mình trừ trường hợp mẹ của cháu chứng minh được đó không phải là con của bạn. Bởi lẽ, khoản 1 Điều 89 của Luật này quy định: “Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình”.

Sau khi cháu được xác nhận là con của bạn, bạn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ của cháu từ họ của mẹ sang họ của bố. Cụ thể, khoản 1 Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

“a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;

b) Thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi;

c) Khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại họ cho người đó theo họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ;

d) Thay đổi họ cho con theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con khi xác định cha, mẹ cho con;

đ) Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

e) Thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi;

g) Thay đổi họ của con khi cha, mẹ thay đổi họ;

h) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định”.

Phạm vi thay đổi hộ tịch được quy định tại Điều 26 Luật Hộ tịch năm 2014 như sau:

“1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.

2.Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi”.

Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015, “việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó”. Vì thế, bạn có quyền đề nghị xác định cháu là con của mình, nhưng việc thay đổi Họ của cháu từ Họ của mẹ sang Họ của mình thì cần có sự đồng ý của mẹ cháu.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ