CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:
Vừa rồi trên báo chí tôi đọc thấy có nhiều trường hợp chủ nhà phát hiện bị trộm đột nhập, vì muốn ngăn cản chúng lấy tài sản của mình mà dùng vũ lực đánh trọng thương, thậm chí gây chết người. Dẫn đến, từ người bị hại, chủ nhà trở thành tội phạm.
Vừa rồi trên báo chí tôi đọc thấy có nhiều trường hợp chủ nhà phát hiện bị trộm đột nhập, vì muốn ngăn cản chúng lấy tài sản của mình mà dùng vũ lực đánh trọng thương, thậm chí gây chết người. Dẫn đến, từ người bị hại, chủ nhà trở thành tội phạm.
Xin hỏi, trong những trường hợp như vậy, cần xử lý thế nào để không bị coi là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng?
LUẬT SƯ TƯ VẤN:
Theo khoản 1 Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2015, “không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”.
Việc kẻ trộm đột nhập, lấy tài sản của người khác chính là hành vi tước đoạt trái pháp luật quyền của chủ sở hữu đối với tài sản đó.
Điều 164 của Bộ luật này quy định biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản. Bao gồm:
“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
2.Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.
Có nghĩa là, về nguyên tắc khi bị trộm đột nhập, chủ nhà có quyền thực hiện hành động phù hợp để tự bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mình, đồng thời ngăn chặn hành vi chiếm đoạt hoặc hành vi tẩu thoát của chúng. Những hành vi này được coi là phòng vệ. Thêm nữa, việc phòng vệ được mở rộng cho cả các chủ thể khác chứ không chỉ riêng chủ nhà. Chẳng hạn, người hàng xóm thấy trộm phá khóa hoặc có hành vi khác để trộm cắp tài sản của nhà bên cạnh thì cũng có quyền ngăn chặn những hành vi đó. Chỉ có điều, quyền tự bảo vệ, ngăn chặn phải thực hiện bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về phòng vệ chính đáng và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như sau:
“1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.
Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.
2.Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.
Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.”
Tóm lại, nếu có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc vượt quá mức cần thiết trong khi thực hiện quyền, chủ nhà hoặc người hàng xóm có thể bị xử lý hình sự về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội hoặc Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.Việc xác định giới hạn phòng vệ chính đáng cần có sự xác định của cơ quan có thẩm quyền
Cụ thể, Điều 126 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy đinh về Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội như sau:
“1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2.Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm”.
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 136 của Bộ luật này. Đó là:
“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.
3.Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm”.
Căn cứ tính chất, mức độ của hành vi và yếu tố lỗi, cơ quan điều tra, công tố, xét xử sẽ xác định người thực hiện quyền tự bảo vệ, ngăn chặn người khác vi phạm quyền sở hữu là phòng vệ chính đáng hay vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.
Trên thực tế, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra như kẻ trộm manh động gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe cho mình hoặc hành động vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng như đã nêu ở trên, các chuyên gia tội phạm học khuyến nghị:
– Chỉ thực hiện hành vi phù hợp, tương xứng để ngăn chặn kẻ trộm xâm phạm quyền sở hữu;
– Nếu thấy chúng manh động, có hành vi có thể gây nguy hiểm thì nên quan tâm đến an toàn là trên hết. Có nghĩa là, cần bình tĩnh xử lý tình huống, không vì tiếc tài sản mà đối mặt với chúng, xác định sức khỏe, tính mạng của mình là quan trọng nhất. Cố gắng nhận dạng, ghi nhớ đặc điểm của tên trộm, sau đó báo chính quyền địa phương, cơ quan công an nơi gần nhất để truy đuổi, bắt giữ và xử lý.