CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:
Hàng xóm nhà tôi có một gia đình hoàn cảnh rất phức tạp. Đó là, cách đây 3 năm bà mẹ chồng đưa một người đàn ông về ở cùng, có đăng ký kết hôn nhưng không tổ chức đám cưới. Chỉ sau khoảng nửa năm, người đàn ông này và con dâu của bà ấy nảy sinh tình cảm với nhau.
Người đàn ông và bà mẹ cũng như vợ chồng người con trai đã làm thủ tục ly hôn. Tuy nhiên, khi hai người này đi đăng ký kết hôn thì ủy ban nhân dân sở tại không chấp nhận, mặc dù họ đã chung sống và có con với nhau.
Xin hỏi, lý do để Ủy ban nhân dân từ chối đăng ký kết hôn cho họ được pháp luật quy định như thế nào?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Có thể thấy, tại thời điểm người đàn ông và bà mẹ tồn tại quan hệ hôn nhân, giữa họ và vợ chồng người con trai được xác định là thành viên gia đình. Trong đó, người đàn ông là bố dượng của vợ chồng người con trai.
Bởi vì, theo khoản 16 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “thành viên gia đình bao gồm vợ, chồng; cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, cha dượng, mẹ kế, cha mẹ vợ, cha mẹ chồng; con đẻ, con nuôi, con riêng của vợ hoặc chồng, con dâu, con rể; anh, chị, em cùng cha mẹ, anh, chị, em cùng cha khác mẹ, anh, chị, em cùng mẹ khác cha, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; ông bà nội, ông bà ngoại; cháu nội, cháu ngoại; cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột”.
Điều đó cũng đồng nghĩa, sau thời điểm người đàn ông và bà mẹ cũng như vợ chồng người con trai đã làm thủ tục ly hôn, giữa người đàn ông và vợ người con trai không còn là thành viên gia đình nữa.
Có điều, để có thể đăng ký kết hôn, hai người phải đáp ứng điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật.
Kết hôn, theo khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.
Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 của Luật này như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2.Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Cũng chính vì thế, khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định cấm các hành vi sau đây:
“a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi”.
Căn cứ quy định nêu trên, mặc dù giữa hai người không còn là thành viên gia đình, nhưng không thể kết hôn do vi phạm điều cấm của pháp luật. Đó là, cấm kết hôn giữa những người đã từng là cha chồng với con dâu. Cho nên, việc Ủy ban nhân dân sở tại không giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn cho họ là đúng quy định của pháp luật.