Xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết mới nhất

CÂU HỎI: Bố nuôi của tôi đã bỏ nhà đi nhiều năm nay, không có liên hệ gì với gia đình. Chúng tôi cũng đã đăng thông tin tìm kiếm trên báo, đài truyền hình trong nam ngoài bắc nhưng vẫn bặt vô âm tín.

Bố nuôi tôi có một thửa đất lớn do ông bà nội cho từ trước khi lấy mẹ nuôi tôi. Mẹ nuôi tôi muốn chia cho các con thì phải thực hiện như thế nào trong trường hợp không thể có chữ ký xác nhận của bố nuôi tôi?

LUẬT SƯ TƯ VẤN:

Nếu đúng thông tin như bạn cung cấp, bố nuôi của bạn đã bỏ đi từ nhiều năm nay, không có liên hệ gì và mặc dù gia đình đã tìm kiếm nhưng không có kết quả, trước hết, thành viên gia đình bạn với tư cách người có quyền và lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án tuyên bố bố nuôi của bạn mất tích theo Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015. Cụ thể:

“1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.

2. Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

3. Quyết định của Tòa án tuyên bố một người mất tích phải được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cuối cùng của người bị tuyên bố mất tích để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch”.

Khoản 1 Điều 71 của Bộ luật này quy định người có quyền, lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau đây:

“a) Sau 03 năm, kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

b) Biệt tích trong chiến tranh sau 05 năm, kể từ ngày chiến tranh kết thúc mà vẫn không có tin tức xác thực là còn sống;

c) Bị tai nạn hoặc thảm họa, thiên tai mà sau 02 năm, kể từ ngày tai nạn hoặc thảm hoạ, thiên tai đó chấm dứt vẫn không có tin tức xác thực là còn sống, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

d) Biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống; thời hạn này được tính theo quy định tại khoản 1 Điều 68 của Bộ luật này”.

Có nghĩa là, sau thời gian 3 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật hoặc bố nuôi bạn biệt tích 05 năm liền trở lên và không có tin tức xác thực là còn sống, gia đình bạn có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố ông đã chết.

Căn cứ vào các trường hợp quy định nêu trên, Tòa án xác định ngày chết của người bị tuyên bố là đã chết là bố nuôi của bạn. Quyết định của Tòa án được gửi cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của bố nuôi bạn để ghi chú theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Đây cũng là thời điểm mở thừa kế được quy định tại khoản 1 Điều 611 Bộ luật này. Đó là: “Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật này”. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

Nếu bố nuôi của bạn không để lại di chúc, di sản của ông, bao gồm thửa đất nêu trên sẽ được chia theo pháp luật.

Thừa kế theo pháp luật, theo Điều 649 của Bộ luật này, “là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.

Điều 651 Bộ luật này quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Tóm lại, sau khi bố nuôi của bạn bị tòa án tuyên bố đã chết, thửa đất của ông là di sản thừa kế sẽ được chia cho những người thừa kế theo thứ tự nêu trên, bao gồm mẹ nuôi của bạn, các con của ông (bao gồm con đẻ, con nuôi), cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi của ông (nếu có và còn sống tại thời điểm mở thừa kế).

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ