CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:
Vì lý do tế nhị, tôi phải viết giấy bán chiếc máy tính xách tay cho người khác. Thực chất, tôi chỉ nhờ họ giữ hộ trong một thời gian nhất định.
Chỉ có điều, sau đó tôi phát hiện người này bán chiếc máy tính của tôi cho người khác, kèm theo cả giấy tờ mua bán có chữ ký của tôi.
Không biết tôi có quyền yêu cầu người mua sau trả lại chiếc máy tính cho mình, và người tôi nhờ giữ chiếc máy tính trả lại tiền cho người này hay không?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Việc bạn nhờ người khác giữ chiếc máy tính nhưng hai bên lại ký hợp đồng mua bán được hiểu đó là giao dịch dân sự giả tạo. Về nguyên tắc, giao dịch này bị vô hiệu.
Điều 124 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do giả tạo như sau:
“1. Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì giao dịch dân sự giả tạo vô hiệu, còn giao dịch dân sự bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này hoặc luật khác có liên quan.
2.Trường hợp xác lập giao dịch dân sự giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch dân sự đó vô hiệu”.
Theo đó, giao dịch mua bán giữa hai người bị vô hiệu, giao dịch thực chấy là gửi giữ vẫn có hiệu lực pháp luật.
Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu được quy định tại Điều 131 Bộ luật này. Cụ thể:
“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2.Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3.Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4.Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5.Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”.
Vì giao dịch mua bán bị vô hiệu, hai bên có nghĩa vụ khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nghĩa là, người nhận gửi giữ chiếc máy tính phải trả lại cho bạn. Trường hợp không trả lại được, họ phải trả lại cho bạn khoản tiền là trị giá của chiếc máy tính.
Về giao dịch mua bán chiếc máy tính giữa người bạn gửi giữ và người mua sau này: Họ không biết và không có nghĩa vụ phải biết giao dịch trước đó liên quan đến bạn chỉ là gửi giữ, bằng chứng là giấy tờ mua bán có chữ ký của bạn. Vì thế, khoản 1 Điều 133 của Bộ luật này quy định bảo vệ quyển lợi của họ như sau: “Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng đối tượng của giao dịch là tài sản không phải đăng ký đã được chuyển giao cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch được xác lập, thực hiện với người thứ ba vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp quy định tại Điều 167 của Bộ luật này”.
Nói cách khác, vì chiếc máy tính không phải là tài sản phải đăng ký như ô tô, xe máy, nhà đất, nên giao dịch mua bán như trên có hiệu lực pháp lý.
Trường hợp giao dịch dân sự vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu.
Trường hợp tài sản phải đăng ký mà chưa được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì giao dịch dân sự với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá tại tổ chức có thẩm quyền hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó chủ thể này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa.
Bởi vậy, theo khoản 3 của Điều này, “Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ người thứ ba ngay tình, nếu giao dịch dân sự với người này không bị vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều này nhưng có quyền khởi kiện, yêu cầu chủ thể có lỗi dẫn đến việc giao dịch được xác lập với người thứ ba phải hoàn trả những chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại”.
Tóm lại:
– Giao dịch mua bán giữa bạn và người bạn gửi giữ chiếc máy tính bị vô hiệu do giả tạo;
– Giao dịch mua bán giữa người bạn gửi giữ chiếc máy tính và người mua sau này (ngay tình) có hiệu lực pháp luật;
– Bạn không có quyền đòi lại chiếc máy tính từ người mua của người bạn gửi giữ, nhưng có quyền yêu cầu người bạn đã gửi giữ trả lại số tiền là trị giá của chiếc máy tính.