CÁ ĐỘ BÓNG ĐÁ LÀ GIAO DỊCH DÂN SỰ VÔ HIỆU

Câu hỏi:

Trong lúc ngồi uống bia chờ xem bóng đá, chồng tôi đã cá cược với một người cùng bàn và giao kèo thua thắng là chiếc xe máy của mỗi người.

Chồng tôi thua, cả hai về nhà tôi và yêu cầu tôi đưa giấy tờ xe, ký tên vào giấy bán xe.

Trên thực tế, chồng tôi và người này chỉ thỏa thuận miệng với nhau về việc cá cược thì chúng tôi có bắt buộc phải thực hiện hay không?

Trả lời:

Về nguyên tắc, pháp luật tôn trọng quyền tự do của tổ chức, cá nhân trong việc xác lập giao dịch dân sự.

Theo Điều 116 Bộ luật Dân sự năm 2015, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Tuy nhiên, giao dịch dân sự chỉ có hiệu lực khi đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này. Đó là:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Ngày 24/01/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2017/NĐ-CP quy định về kinh doanh, quản lý hoạt động kinh doanh và xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa, đặt cược đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, chưa có doanh nghiệp nào được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ đặt cược bóng đá quốc tế. Cho nên, mọi hoạt động cá cược bóng đá tính đến thời điểm hiện tại ở nước ta chắc chắn đều là bất hợp pháp. Điều đó đồng nghĩa, thỏa thuận giữa chồng bạn và người kia về việc cá độ bóng đá không có giá trị thực hiện vì không đáp ứng điều kiện được quy định tại Điều 117 nêu trên.

Giao dịch dân sự vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội được quy định tại Điều 123 của Bộ luật này như sau:

“Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.

Điều 131 của Bộ luật này quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu là:

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.

5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định”.

Tóm lại, mặc dù hai người tự nguyện, thỏa thuận xác lập giao dịch dân sự, nhưng giao dịch đó vi phạm điều cấm của pháp luật nên không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của họ kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Nói cách khác, chồng bạn không có nghĩa vụ phải trả thua độ cho người kia.

Bên cạnh đó, tùy theo tính chất mức độ vi phạm, hành vi cá độ bóng đá của hai người còn có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật bằng một trong những hình thức như sau:

Một là, xử lý vi phạm hành chính

Khoản 2 Điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:

“a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;

b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

c) Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;

d) Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề”.

Người bị xử lý vi phạt vi phạm hành chính còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và tịch thu tiền do vi phạm hành chính mà có. Người nước ngoài có hành vi vi phạm nêu trên có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hai là, xử lý hình sự

Điều 321 Văn bản hợp nhất Bộ luật Hình sự số 01/VBHN-VPQH ngày 10/7/2017 của Văn phòng Quốc hội quy định về Tội đánh bạc như sau:

“1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng”.


Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ