CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:
Vợ chồng cháu họ tôi ly hôn, hai người có một con chung 6 tuổi. Vì một số lý do, trong đó có việc bố của cháu đang đi lao động ở Hàn Quốc, Tòa án đã quyết định giao cháu cho mẹ nuôi.
Tuy nhiên, cháu thường xuyên bị mẹ cháu và người đàn ông sống chung như vợ chồng với mẹ cháu đánh đập, mắng chửi. Thậm chí, tháng nào họ cũng đi lấy hàng ở biên giới từ 5 đến 7 ngày, cháu phải ở nhà một mình, tự xoay xở mọi chuyện. Tôi cũng đã ngỏ ý được chăm sóc cháu trong thời gian này, nhưng không được mẹ cháu chấp nhận.
Xin hỏi, trường hợp nào chính quyền có thể can thiệp cách ly tạm thời cháu bé với mẹ của cháu để tôi được chăm sóc cháu khi mẹ cháu đi vắng?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Bảo vệ trẻ em, theo khoản 1 Điều 4 Luật Trẻ em năm 2016, “là việc thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”.
Ngược lại, theo khoản 5 của Điều này, “xâm hại trẻ em là hành vi gây tổn hại về thể chất, tình cảm, tâm lý, danh dự, nhân phẩm của trẻ em dưới các hình thức bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, mua bán, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và các hình thức gây tổn hại khác”.
Căn cứ thông tin mà bạn cung cấp, có thể mẹ cháu bé và người sống chung như vợ chồng với mẹ của cháu đã có hành vi xâm hại trẻ em khi thường xuyên đánh đập, chửi mắng hay bỏ mặc cháu một mình trong thời gian đi làm ăn.
Khoản 1 Điều 47 của Luật này quy định bảo vệ trẻ em được thực hiện theo ba cấp độ sau đây:
“a) Phòng ngừa;
b) Hỗ trợ;
c) Can thiệp”.
Cấp độ can thiệp được quy định tại Điều 50 của Luật này như sau:
“1. Cấp độ can thiệp bao gồm các biện pháp bảo vệ được áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; hỗ trợ chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
2.Các biện pháp bảo vệ trẻ em cấp độ can thiệp bao gồm:
a) Chăm sóc y tế, trị liệu tâm lý, phục hồi thể chất và tinh thần cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần can thiệp;
b) Bố trí nơi tạm trú an toàn, cách ly trẻ em khỏi môi trường, đối tượng đe dọa hoặc đang có hành vi bạo lực, bóc lột trẻ em;
c) Bố trí chăm sóc thay thế tạm thời hoặc lâu dài cho trẻ em thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 62 của Luật này;
d) Đoàn tụ gia đình, hòa nhập trường học, cộng đồng cho trẻ em bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi;
đ) Tư vấn, cung cấp kiến thức cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, các thành viên gia đình trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt về trách nhiệm và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc, giáo dục hòa nhập cho trẻ em thuộc nhóm đối tượng này;
e) Tư vấn, cung cấp kiến thức pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;
g) Các biện pháp hỗ trợ trẻ em bị xâm hại và gia đình của trẻ em quy định tại Khoản 1 Điều 43, Khoản 1 Điều 44 và Điểm d Khoản 2 Điều 49 của Luật này;
h) Theo dõi, đánh giá sự an toàn của trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại”.
Hướng dẫn việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế, Điều 32 Nghị định số 56/2017/NĐ-CP ngày 09/5/2017 của Chính phủ quy định:
“1. Việc tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em được thực hiện đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.
2.Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em cư trú hoặc nơi xảy ra trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này có thẩm quyền ra quyết định tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này và bố trí nơi tạm trú an toàn theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 50 Luật trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế theo quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật trẻ em trong vòng 12 giờ tính từ thời điểm tiếp nhận thông tin.
3.Thời hạn tạm thời cách ly được quyết định căn cứ vào đánh giá nhu cầu và môi trường an toàn của trẻ em, được gia hạn, nhưng thời hạn cách ly tối đa không quá 15 ngày trừ trường hợp phải tiếp tục cách ly theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền. Khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em được đánh giá bảo đảm điều kiện an toàn cho trẻ em theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã hủy bỏ quyết định tạm thời cách ly.
4.Trẻ em được tạm thời cách ly khẩn cấp khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em cần được thực hiện ngay việc giao chăm sóc thay thế trước khi thực hiện các thủ tục nhận chăm sóc thay thế”.
Theo đó, các trường hợp tạm thời cách ly trẻ em khỏi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và áp dụng biện pháp chăm sóc thay thế bao gồm: trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em; trẻ em bị xâm hại nhưng cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em từ chối thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp hoặc trẻ em bị xâm hại có nguy cơ tiếp tục bị xâm hại bởi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em.
Bạn có trách nhiệm thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em của mẹ cháu bé và người sống chung như vợ chồng với mẹ cháu tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cháu cư trú hoặc nơi xảy ra sự việc. Tuy nhiên, để được giao chăm sóc thay thế trong thời gian tạm thời cách ly cháu bé khỏi mẹ của cháu, bạn cần đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 63 của Luật Trẻ em năm 2016. Đó là:
“a) Cá nhân, người đại diện gia đình là người cư trú tại Việt Nam; có sức khỏe và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt; không bị hạn chế một số quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em; không bị kết án về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của người khác, ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu, người có công nuôi dưỡng mình, dụ dỗ, ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên vi phạm pháp luật, mua, bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em;
b) Có chỗ ở và Điều kiện kinh tế phù hợp, bảo đảm chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em;
c) Tự nguyện nhận chăm sóc trẻ em; có sự đồng thuận giữa các thành viên trong gia đình về việc nhận chăm sóc trẻ em; các thành viên trong gia đình không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, xử lý vi phạm hành chính về các hành vi xâm hại trẻ em;
d) Người thân thích nhận trẻ em chăm sóc thay thế phải là người thành niên; các trường hợp khác phải hơn trẻ em từ 20 tuổi trở lên”.