CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG: Cô ruột tôi có 2 người con, nhưng vì những lý do không tiện nêu ở đây, cô về ở với tôi gần chục năm nay. Mọi chi phí cá nhân của cô, bao gồm thuốc men chữa trị khi cô ốm đau dài ngày đều một tay tôi vay mượn chi trả.
Do lâm bệnh nặng, cô qua đời nhưng không để lại di chúc. Trong trường hợp này, không biết tôi có được hưởng thừa kế của cô hay không?
TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ
Theo Điều 649 Bộ luật Dân sự năm 2015, “thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định”.
Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 650 của Bộ luật này, bao gồm:
“a) Không có di chúc;
b) Di chúc không hợp pháp;
c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;
d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Thông tin của bạn cho thấy, cô ruột của bạn chết nhưng không để lại di chúc. Cho nên, di sản của cô sẽ được chia theo quy định của pháp luật. Có nghĩa là, di sản được chia theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế.
Người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 của Bộ luật này. Cụ thể:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2.Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3.Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.
Căn cứ quy định nêu trên, về nguyên tắc, di sản thừa kế của cô ruột bạn sẽ được chia cho 2 người con ruột của bà, trừ trường hợp được quy định tại khoản 3 Điều 651 nêu trên.
Ví dụ, theo khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này, các con của cô ruột bạn không được quyền hưởng di sản nếu thuộc một trong các trường hợp như sau:
“a) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản”.
Khi các con của cô ruột bạn đều đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc họ từ chối nhận di sản, di sản của cô ruột bạn sẽ được chia cho những người ở hành thừa kế thứ 2 của cô bao gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cháu ruột gọi cô là bà nội, bà ngoại.
Nếu những người ở hàng thừa kế thứ 2 cũng như hàng thừa kế thứ nhất, di sản của cô ruột bạn mới được chia theo pháp luật cho hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của của cô; cháu ruột gọi cô là bác ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột gọi cô là cụ nội, cụ ngoại. Khi đó, bạn mới được chia di sản thừa kế của cô, với tư cách là cháu ruột gọi cô là cô ruột. Tất nhiên, trong trường hợp này, bạn cùng những người người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Bên cạnh đó, trong quá trình cô ruột sinh sống cùng, bạn đã chi trả những chi phí như chi phí cá nhân, thuốc men khám chữa bệnh… Bạn có thể trao đổi với những người quản lý, được hưởng di sản của cô để họ hoàn lại cho mình. Bởi lẽ, theo Điều 658 của Bộ luật này, các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế được thanh toán theo thứ tự sau đây:
“1. Chi phí hợp lý theo tập quán cho việc mai táng.
2.Tiền cấp dưỡng còn thiếu.
3.Chi phí cho việc bảo quản di sản.
4.Tiền trợ cấp cho người sống nương nhờ.
5.Tiền công lao động.
7.Tiền bồi thường thiệt hại.
8.Thuế và các khoản phải nộp khác vào ngân sách nhà nước.
9.Các khoản nợ khác đối với cá nhân, pháp nhân.
10.Tiền phạt.
11.Các chi phí khác”.
Nếu có bằng chứng chứng minh, trong trường hợp những người thừa kế không đồng ý thanh toán, bạn có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.