Chia bài cho nhóm chơi Tá lả ăn tiền có đồng phạm tội đánh bạc không?

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Anh tôi tham gia chia bài cho nhóm chơi Tá lả ăn tiền. Với việc chia bài này, anh tôi sẽ được người ù hoặc người nhất của các ván bài thưởng tiền. Khi nhóm đang chơi thì bị công an bắt quả tang. Xin hỏi anh tôi có phạm tội đánh bạc không?

LUẬT SƯ TƯ VẤN:

Điều 321 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội đánh bạc như sau:

“Điều 321. Tội đánh bạc

1.Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 5.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi quy định tại Điều 322 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 322 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Có tính chất chuyên nghiệp;

b) Tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá 50.000.000 đồng trở lên;

c) Sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;

d) Tái phạm nguy hiểm.

3.Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Mặt khác, tại Điều 17 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về đồng phạm như sau:

“Điều 17. Đồng phạm

1.Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2.Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm.

3.Người đồng phạm bao gồm người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức.

a.Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm.

b.Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

c.Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

d.Người giúp sức là người tạo điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

4.Người đồng phạm không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành.”

Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp và đối chiếu với các quy định trên thì hành vi chia bài chính là hành vi giúp sức cho những người đánh bạc, chính vì vậy anh bạn vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội đánh bạc” theo quy định tại Điều 321 nêu trên với vai trò là đồng phạm giúp sức.

Trong trường hợp hành vi của anh bạn chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội đánh bạc” thì anh bạn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 2 Điều 26 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình cụ thể như sau:

“2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi đánh bạc sau đây:

a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế hoặc các hình thức khác mà được, thua bằng tiền, hiện vật;

b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;

c) Cá cược bằng tiền hoặc dưới các hình thức khác trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí, các hoạt động khác;

d) Bán bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề”.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ