Câu hỏi:
Hôm trước, tôi và chồng đi xe máy đèo nhau trên đường Nguyễn Hoàng khu Nam Từ Liêm, Hà Nội. Trời hôm đó mưa rất to nên trên mặt đường có nhiều vũng nước lớn, nhiều chỗ úng ngập, chúng tôi đang cố gắng đi qua chỗ ngập thì có một xe khách đi nhanh khiến cho nước ào lên toàn bộ người hai vợ chồng tôi. Trời lạnh, người ướt sũng, chồng tôi bực mình phóng xe đuổi theo và chặn đầu chiếc xe khách đó lại. Do không giữ được bình tĩnh nên trong cơn nóng giận, chồng tôi đã dùng một viên gạch bên đường ném vỡ kính đầu xe chỗ cửa lên xuống, gây thiệt hại khoảng 4 triệu đồng với mục đích làm hư hỏng tài sản của chủ xe. Xin hỏi hành vi của chồng tôi bị truy cứu cứu trách nhiệm hình sự hay không ?
Trả lời:
Trong trường hợp này, do chồng chị đã có hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu mà ở đây là việc dùng đá làm vỡ kính lái phía đầu xe khách với mục đích cố ý làm hư hỏng chiếc xe khách, tức cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác.
Điều 178 Bộ luật Hình sự năm 2015 (Điều này được sửa đổi, bổ sung theo Khoản 36 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 năm 2017) quy định:
“Điều 178. Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản
1. Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
c) Tài sản là bảo vật quốc gia;
d) Dùng chất nguy hiểm về cháy, nổ hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác;
đ) Để che giấu tội phạm khác;
e) Vì lý do công vụ của người bị hại;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.
4. Phạm tội gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Như vậy, với hành vi cố ý làm hư hỏng đối với tài sản của người khác với giá trị khoảng 4 triệu đồng thì chồng chị có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự đã nêu ở trên. Vì vậy, khi tham gia giao thông trên đường bạn nên giải thích chồng bạn bình tĩnh, giải quyết không nên nóng giận mà cố ý làm hỏng tài sản của người khác. Bạn nên khuyên chồng bạn chủ động xin lỗi, hòa giải và bồi thường giải quyết thiệt hại cho người mình đã gây thiệt hại, trách hậu quả pháp lý không đáng có.