DI SẢN THỪA KẾ VÀ DI SẢN TẶNG CHO MỚI NHẤT

CÂU HỎI KHÁCH HÀNG:

Do bệnh nặng, chú đồng nghiệp ở cơ quan tôi vừa mất đầu tháng 6 năm 2017.

Tài sản riêng của chú được xác định gồm có 1,8 tỷ đồng gửi tại ngân hàng. Trong di chúc của chú được lập trước đó, nội dung ghi rõ: Vợ và các con của chú được hưởng mỗi người 300 triệu; 100 triệu dành để đóng góp vào việc sửa nhà thờ của dòng họ ở quê; số còn lại cho cháu nội (là con người con trai cả và con dâu của chú, mới sinh được 6 tháng).

Được biết chú có 2 người con, con cả sinh năm 1995 đang làm việc tại một cơ quan nhà nước và con út sinh năm 2001 đang học trung học phổ thông.

Đề nghị các anh chị cho hỏi, việc chia di sản của chú được thực hiện như thế nào?

 

LUẬT SƯ TRẢ LỜI:

Nếu số tiền tiết kiệm 1,8 tỷ đồng là tài sản riêng của chú đồng nghiệp ở cơ quan bạn và di chúc được lập là hợp pháp, theo thông tin bạn cung cấp, việc chia di sản thừa kế và di tặng được thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự như sau:

Di chúc, theo Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015, “là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Về nguyên tắc, việc phân chia được thực hiện theo sự định đoạt của người để lại di sản. Tuy nhiên, pháp luật hiện tại quy định một số trường hợp người được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc theo Điều 644 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:

“1. Những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

a) Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

b) Con thành niên mà không có khả năng lao động.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật này”.

Người thừa kế theo pháp luật được quy định tại Điều 651 Bộ luật này như sau:

“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản”.

Có nghĩa là, mặc dù cùng hàng thừa kế thứ nhất, nhưng vợ và các con của chú đồng nghiệp ở cơ quan bạn được hưởng di sản khác nhau. Cụ thể:

– Người con trai cả được hưởng di sản là 300 triệu đồng;

– Vợ và người con út (chưa thành niên), mỗi người được hưởng di sản bằng 2/3 suất của người thừa kế theo luật (600 triệu đồng) là 400 triệu đồng.

Về vấn đề di tặng, Điều 646 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

“1. Di tặng là việc người lập di chúc dành một phần di sản để tặng cho người khác. Việc di tặng phải được ghi rõ trong di chúc.

2. Người được di tặng là cá nhân phải còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người được di tặng không phải là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

3. Người được di tặng không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc thì phần di tặng cũng được dùng để thực hiện phần nghĩa vụ còn lại của người này”.

Có thể thấy, căn cứ phát sinh di tặng là việc người lập di chúc chỉ định người được di tặng hưởng di sản trong di chúc. Tuy nhiên, người được di tặng không phải là người thừa kế theo di chúc. Một điểm khác nữa là mặc dù được hưởng di sản của người lập di chúc, nhưng họ không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản đối với phần được di tặng, trừ trường hợp toàn bộ di sản không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người lập di chúc.

Như vậy, 100 triệu đồng là di tặng của chú đồng nghiệp cơ quan bạn để sửa nhà thờ dòng họ. Số tiền 600 triệu còn lại cháu nội của chú được hưởng.

Nếu trong di chúc không chỉ định, thông thường về tình cảm đạo lý gia đình, bố mẹ cháu sẽ là người quản lý số tiền di tặng cho cháu bé. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật luật hôn nhân và gia đình, đây cũng là quyền và nghĩa vụ của bố mẹ cháu, trừ trường hợp cháu được người khác giám hộ.

Cụ thể, khoản 1 Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: “Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con”.

Việc quản lý tài sản riêng của con, Điều 76 của Luật này quy định:

“1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.

3. Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

4. Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự”.

Bài viết cùng chuyên mục

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ