CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG
Chú ruột tôi không có gia đình và trước đây ở cùng bố mẹ tôi. Chú tôi có vay tiền của một số người và không có khả năng trả nợ nên đã bỏ trốn đi đâu không ai biết. Những người cho vay đòi bố mẹ tôi trả nợ thay. Không đạt được mục đích, họ thường xuyên uy hiếp bằng cách chửi bới bố mẹ tôi nơi đông người như đám cưới, giữa chợ hay siêu thị; ném chất bẩn vào sân nhà tôi. Thậm chí, có người còn dùng vũ lực, ép buộc, cầm tay bố mẹ tôi để lăn tay vào giấy vay nợ khống. Sau đó, căn cứ vào giấy vay nợ này để lấy đi của nhà tôi một số đồ đạc có giá trị với mục đích trừ nợ.
Xin hỏi các anh chị:
– Bố mẹ tôi có phải trả nợ thay cho chú tôi hay không?
– Nếu bố mẹ tôi nhờ chính quyền can thiệp, họ sẽ bị xử lý như thế nào?
TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ
Theo Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015, “hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Thông tin của bạn cho thấy, chú của bạn và những người cho vay tiền đã giao kết hợp đồng vay tài sản như trên. Về nguyên tắc, chú của bạn là người có trách nhiệm trả nợ cho họ. Cụ thể, Điều 466 của Bộ luật này quy định nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2.Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3.Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4.Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5.Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Cũng cần xét đến năng lực hành vi dân sự của chú bạn. Theo Điều 19 của Bộ luật này, “năng lực hành vi dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”.
Người thành niên là người từ đủ mười tám tuổi trở lên. Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự được quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.
Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi. Theo khoản 2, 3, 4 Điều 21 của Bộ luật này, giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi, từ đủ 6 tuổi đến dưới 15 tuổi và người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi được quy định như sau:
“2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
3.Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.
4.Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý”.
Bạn không nêu rõ năng lực hành vi dân sự của chú bạn, do đó, cần căn cứ quy định nêu trên để xác định cụ thể trách nhiệm của chú bạn trong giao dịch vay tiền với những người cho vay.
Giả sử chú của bạn có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, chú của bạn có nghĩa vụ trả nợ tiền vay nhưng không trả thì khi đến hạn, người cho vay có quyền khởi kiện chú bạn để đòi nợ. Điều đó đồng nghĩa, bố mẹ bạn không có nghĩa vụ trả nợ thay cho chú bạn.
Trong mọi trường hợp, những người cho chú bạn vay tiền chửi bới bố mẹ bạn nơi công cộng, ném chất bẩn vào sân nhà bạn; ép buộc bố mẹ bạn xác nhận vào giấy vay nợ khống, lấy đồ đạc có giá trị của gia đình bạn… là họ đã có hành vi vi phạm pháp luật.
Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà họ có thể bị xử lý hành chính đối với vi phạm quy định về trật tự công cộng, với mức phạt tiền đến 5 triệu đồng hoặc xử lý hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng được quy định tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015. Hành vi dùng vũ lực hoặc ép bố mẹ bạn ký giấy tờ vay tiền khống để lấy tài sản của gia đình bạn có thể bị xử lý về Tội cưỡng đoạt tài sản được quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đó là:
“1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
e) Tái phạm nguy hiểm.
3.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4.Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.