CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG
Đầu tuần trước tôi đến nhà bạn tôi chơi. Quan sát thấy ngõ ra vào đủ cho 2 xe ô tránh nhau, không có biển cấm dừng, đỗ nên tôi đã đỗ xe sát lề bên phải.
Khi ra về, tôi phát hiện xe của mình bị đổ chất thải, xịt sơn vẽ bậy, thậm chí nhiều vết cào xước. Một nhóm người thừa nhận đã làm việc này với lý do tôi đỗ xe chướng mắt, làm vướng không gian của họ.
Xin hỏi, tôi có thể yêu cầu những người này cùng bồi thường chi phí dọn dẹp vệ sinh, sơn lại xe hay không?
TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ
Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:
“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
2.Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
3.Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.
Theo đó, những người thực hiện một cách cố ý hành vi đổ chất thải, xịt sơn vẽ bậy, cào xước xe của bạn đã xâm phạm tài sản của người khác, dẫn đến phát sinh chi phí dọn dẹp vệ sinh, sơn lại xe như thông tin bạn ung cấp phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bạn.
Nguyên tắc bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 585 của Bộ luật này. Cụ thể:
“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2.Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3.Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4.Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5.Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.
Về nguyên tắc, với tư cách người bị thiệt hại, bạn có quyền yêu cầu những người này bồi thường đầy đủ, kịp thời, có tính đến yếu tố năng lực chịu trách nhiệm của từng người trong số họ. Ví dụ: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường; Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu; Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình; Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Pháp luật cũng cho phép hai bên có thể thỏa thuận về mức và hình thức bồi thường. Nếu không thỏa thuận được, bạn có thể khởi kiện vụ án dân sự hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo Điều 589 của Bộ luật này, thiệt hại do tài sản bị xâm phạm bao gồm:
“1. Tài sản bị mất, bị huỷ hoại hoặc bị hư hỏng;
2.Lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác tài sản bị mất, bị giảm sút;
3.Chi phí hợp lý để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục thiệt hại;
4.Thiệt hại khác do luật quy định”.
Có nghĩa là, thiệt hại mà bạn có thể yêu cầu bồi thường có thể không chỉ là chi phí dọn dẹp vệ sinh, sơn lại xe, mà còn là lợi ích gắn liền với việc sử dụng, khai thác chiếc xe của bạn bị mất, bị giảm sút…
Trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại, theo Điều 587 của Bộ luật này, “thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”.
Cho nên, xác định được mức độ thiệt hại, những người thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của bạn có trách nhiệm liên đới bồi thường cho bạn, tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người. Trường hợp không xác định được mức độ lỗi của từng người, họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau cho bạn.
Cũng cần lưu ý, thời hiệu để bạn khởi kiện vụ án dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại là 03 năm, kể từ ngày bạn biết hoặc phải biết quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.