CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG
Tôi cho vợ chồng người đồng nghiệp mượn một căn hộ để ở từ đầu năm 2010. Tháng 6 năm 2017, do có nhu cầu sử dụng, tôi yêu cầu họ trả lại, nhưng lấy lý do chưa có nhà ở nên họ cố tình không thực hiện.
Tôi cho vợ chồng người đồng nghiệp mượn một căn hộ để ở từ đầu năm 2010. Tháng 6 năm 2017, do có nhu cầu sử dụng, tôi yêu cầu họ trả lại, nhưng lấy lý do chưa có nhà ở nên họ cố tình không thực hiện. Mặc dù đã làm mọi cách song không thuyết phục được, cực chẳng đã tôi bắt buộc phải nộp đơn gửi Tòa án để khởi kiện đòi lại căn hộ của mình.
Vì cơ quan sắp có sự kiện quan trọng, Ban Giám đốc muốn tôi tạm thời rút đơn khởi kiện và sau đó sẽ đứng ra bàn cách để giải quyết theo kiểu nội bộ.
Đã gần một năm trôi qua, mọi thứ vẫn ở lại điểm xuất phát. Tôi đã bị bội ước không chỉ bởi vợ chồng người đồng nghiệp, mà mất lòng tin cả với Ban Giám đốc.
Tôi muốn khởi kiện lần thứ hai để đòi lại căn hộ, nhưng lo ngại trước đây mình đã rút đơn, được Tòa án đình chỉ vụ án thì không biết có được thực hiện thủ tục này nữa hay không?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Theo quy định của pháp luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khởi kiện vụ án dân sự, yêu cầu giải quyết việc dân sự tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu Tòa án bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác.
Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 như sau:
“1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
2.Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội”.
Với tư cách đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Đồng thời, họ cũng có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau.
Một trong những quyền thay đổi yêu cầu của đương sự là rút yêu cầu khởi kiện. Đây cũng là căn cứ để Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Bởi vì, theo khoản 1 Điều 217 Bộ luật này, sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:
“a) Nguyên đơn hoặc bị đơn là cá nhân đã chết mà quyền, nghĩa vụ của họ không được thừa kế;
b) Cơ quan, tổ chức đã bị giải thể, phá sản mà không có cơ quan, tổ chức, cá nhân nào kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của cơ quan, tổ chức đó;
c) Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt, trừ trường hợp họ đề nghị xét xử vắng mặt hoặc vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan;
d) Đã có quyết định của Tòa án mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã là một bên đương sự trong vụ án mà việc giải quyết vụ án có liên quan đến nghĩa vụ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã đó;
đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này.
Trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này thì Tòa án đình chỉ việc giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
e) Đương sự có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ án và thời hiệu khởi kiện đã hết;
g) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 192 của Bộ luật này mà Tòa án đã thụ lý;
h) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý và trả lại đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu; trong trường hợp này, Tòa án phải sao chụp và lưu lại để làm cơ sở giải quyết khiếu nại, kiến nghị khi có yêu cầu.
Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được quy định tại Điều 218 Bộ luật này như sau:
“1. Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
2.Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 217 hoặc vì lý do nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được sung vào công quỹ nhà nước.
3.Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c và trường hợp khác quy định tại các điểm d, đ, e và g khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.
4.Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm”.
Về nguyên tắc, khi Tòa án đã có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Khoản 3 Điều 192 Bộ luật này quy định đương sự có quyền nộp đơn khởi kiện lại trong các trường hợp sau đây:
“a) Người khởi kiện đã có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự;
b) Yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, mức bồi thường thiệt hại, yêu cầu thay đổi người quản lý tài sản, thay đổi người quản lý di sản, thay đổi người giám hộ hoặc vụ án đòi tài sản, đòi tài sản cho thuê, cho mượn, đòi nhà, đòi quyền sử dụng đất cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ mà trước đó Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu mà theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;
c) Đã có đủ điều kiện khởi kiện;
d) Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật”.
Có nghĩa là, bạn khởi kiện vụ án đòi lại căn hộ đã cho vợ chồng người đồng nghiệp mượn thuộc trường hợp được nộp đơn khởi kiện lại. Nếu đáp ứng các điều kiện khác, Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết theo quy định của pháp luật.