CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG
Vì cùng là thành viên của diễn đàn Audio.com, cách đây gần hai năm em và một người đã thống nhất trao đổi cho nhau bộ dàn âm thanh gia đình.
Chúng em liên lạc với nhau bằng cách hỏi và trả lời trực tiếp trên diễn đàn, email, điện thoại. Việc trao đổi được thực hiện tại nhà của người này. Em cũng đã được bố của người này hướng dẫn sử dụng, lắp đặt, kết nối rất chi tiết.
Tuy nhiên, mới đây bố của người này đến nhà em, thông báo bộ dàn âm thanh là của ông ý, đồng thời yêu cầu em trả lại.
Thực tế sự việc diễn ra đã lâu, em cũng đã sửa chữa, nâng cấp một số linh kiện và hiện tại trị giá của bộ dàn âm thanh này đã lớn hơn trước rất nhiều.
Xin hỏi, em có bắt buộc phải hủy bỏ thỏa thuận trao đổi này hay không? Nếu phải hủy bỏ thì giá trị chênh lệch do em đầu tư nâng cấp người này có phải thanh toán cho em hay không?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Theo thông tin bạn cung cấp, giữa bạn và thành viên khác của diễn đàn đã thỏa thuận và thực hiện trên thực tế việc trao đổi tài sản.
Điều 455 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định Hợp đồng trao đổi tài sản như sau:
“1. Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.
2.Hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký, nếu pháp luật có quy định.
3.Trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
4.Mỗi bên đều được coi là người bán đối với tài sản giao cho bên kia và là người mua đối với tài sản nhận về. Các quy định về hợp đồng mua bán từ Điều 430 đến Điều 439, từ Điều 441 đến Điều 449 và Điều 454 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng trao đổi tài sản”.
Căn cứ quy định nêu trên, mỗi bên tham gia quan hệ trao đổi tài sản đều được coi là người bán tài sản thuộc sở hữu của mình với người kia và ngược lại, họ đóng vai trò là người mua.
Mặc dù hai bên không xác lập hợp đồng mua bán tài sản, nhưng các quy định của pháp luật dân sự điều chỉnh quan hệ mua bán tài sản được áp dụng. Trong đó, quan trọng nhất là các bên thỏa thuận chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên kia, việc thanh toán giá trị chênh lệch được thực hiện theo Điều 456 của Bộ luật này. Đó là: “Trường hợp tài sản trao đổi chênh lệch về giá trị thì các bên phải thanh toán cho nhau phần chênh lệch đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”.
Khoản 3 Điều 455 nêu trên quy định “trường hợp một bên trao đổi cho bên kia tài sản không thuộc quyền sở hữu của mình hoặc không được chủ sở hữu ủy quyền thì bên kia có quyền hủy bỏ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại”. Có nghĩa là, nếu bộ dàn âm thanh thực sự không thuộc quyền sở hữu của người đã trao đổi cho bạn, bạn có quyền yêu cầu hủy bỏ hợp đồng trao đổi tài sản và yêu cầu người này bồi thường thiệt hại (nếu có).
Trường hợp bạn không muốn sử dụng quyền này, cần xem xét về quyền đòi lại tài sản của người bố của người đã trao đổi bộ dàn âm thanh với bạn. Cụ thể:
Điều 166 Bộ luật này quy định về quyền đòi lại tài sản như sau:
“1. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền đòi lại tài sản từ người chiếm hữu, người sử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật.
2.Chủ sở hữu không có quyền đòi lại tài sản từ sự chiếm hữu của chủ thể đang có quyền khác đối với tài sản đó”.
Tuy nhiên, Điều 167 của Bộ luật này quy định quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình như sau:
“Chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản không phải đăng ký quyền sở hữu từ người chiếm hữu ngay tình trong trường hợp người chiếm hữu ngay tình có được động sản này thông qua hợp đồng không có đền bù với người không có quyền định đoạt tài sản; trường hợp hợp đồng này là hợp đồng có đền bù thì chủ sở hữu có quyền đòi lại động sản nếu động sản đó bị lấy cắp, bị mất hoặc trường hợp khác bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu”.
Rõ ràng bạn chiếm hữu bộ dàn âm thanh thông qua hợp đồng trao đổi tài sản (có đền bù). Đồng thời, khi thấy con trao đổi với bạn, người bố đã không cản trở, mà còn hướng dẫn bạn sử dụng chứng tỏ tại thời điểm ấy người này biết và đồng ý để con mình trao đổi tài sản. Do vậy, người này không có quyền đòi lại.
Tóm lại, bạn có quyền từ chối hủy bỏ việc trao đổi tài sản. Trường hợp hai bên thỏa thuận trả lại tài sản đã trao đổi, thực chất đó là thỏa thuận mới về trao đổi tài sản. Chi phí phát sinh do bạn đầu tư sửa chữa, nâng cấp sẽ được tính vào giá trị chênh lệch và việc thanh toán do hai bên thỏa thuận.