CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG: Tôi cho một người vay tiền, tài sản bảo đảm là chiếc ô tô mang tên người vay, có cả chữ ký của vợ người này trên hợp đồng do chiếc xe là tài sản chung của vợ chồng họ.
Một trong những nội dung quan trọng tôi lựa chọn nhận cầm cố chiếc xe vì họ đồng ý để tôi được sử dụng làm taxi công nghệ, bù lại mức lãi suất tiền vay giảm một nửa.
Nay do dịch bệnh CoVID-19, Chính phủ và UBND thành phố yêu cầu tạm ngừng tất cả các loại phương tiện công cộng, thời hạn chưa biết đến bao giờ. Thêm nữa, quy định mới yêu cầu xe taxi công nghệ phải lắp mào trên nóc hoặc sơn màu khác… Từ đó, tôi không có nhu cầu sử dụng xe nữa.
Không biết, tôi có thể lấy lý do dịch bệnh để hủy việc nhận cầm cố chiếc xe ô tô, sau đó yêu cầu người vay cầm cố bằng tài sản khác hay không?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.
Sự kiện bất khả kháng là căn cứ pháp lý để xác định một hay các bên tham gia quan hệ pháp luật dân sự được loại trừ trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ. Bởi vì, khoản 2 Điều 351 của Bộ luật này quy định: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Thậm chí, là căn cứ loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo khoản 2 Điều 584 của Bộ luật này. Đó là: “Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”.
Ngày 01/04/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 447/QĐ-TTg về việc công bố dịch truyền nhiễm tại Việt Nam. Trong đó, tên dịch bệnh: COVID-19 (dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra); Thời gian xảy ra dịch: từ ngày 23/01/2020 (thời điểm xác định trường hợp đầu tiên mắc ca bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra); Địa điểm và quy mô xảy ra dịch: toàn quốc; Nguyên nhân: Do chủng mới của vi rút Corona gây ra; Tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch: Bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ đại dịch toàn cầu; Đường lây: Lây truyền qua đường hô hấp từ người sang người.
Theo đó, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được xác định là sự kiện bất khả kháng. Tuy nhiên, sự kiện bất khả kháng này không phải là căn cứ để bạn có thể hủy bỏ hợp đồng cầm cố tài sản với tư cách người nhận cầm cố.
Như chúng ta đã biết, các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Cầm cố tài sản; Thế chấp tài sản; Đặt cọc; Ký cược; Ký quỹ; Bảo lưu quyền sở hữu; Bảo lãnh; Tín chấp; Cầm giữ tài sản. Trong đó, theo Điều 309 Bộ luật này, “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”.
Thỏa thuận cầm cố chiếc xe ô tô giữa bạn và người vay tiền là để bảo đảm tiền vay. Hợp đồng này có hiệu lực từ thời điểm giao kết, hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bạn nắm giữ tài sản cầm cố.
Điều 311 của Bộ luật này quy định nghĩa vụ của bên cầm cố như sau:
“1. Giao tài sản cầm cố cho bên nhận cầm cố theo đúng thỏa thuận.
2.Báo cho bên nhận cầm cố về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố, nếu có; trường hợp không thông báo thì bên nhận cầm cố có quyền hủy hợp đồng cầm cố tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại hoặc duy trì hợp đồng và chấp nhận quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố.
3.Thanh toán cho bên nhận cầm cố chi phí hợp lý để bảo quản tài sản cầm cố, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Căn cứ quy định nêu trên, bạn chỉ có quyền hủy bỏ hợp đồng cầm cố chiếc xe ô tô trong trường hợp người vay tiền của bạn không thông báo cho bạn về quyền của người thứ ba đối với tài sản cầm cố. Thông tin của bạn cho thấy, chiếc xe ô tô là tài sản chung của vợ chồng người vay, trên hợp đồng với bạn đã có đầy đủ chữ ký xác nhận của họ nên bạn không thể hủy hợp đồng này.
Tuy nhiên, hợp đồng cầm cố là một trong những loại hợp đồng dân sự, các bên tham gia thỏa thuận về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Điều đó đồng nghĩa, bạn có thể đề nghị bên cầm cố (người vay tiền của bạn) để hai bên thỏa thuận về việc sửa đổi hợp đồng. Nếu họ chấp nhận, hai bên sẽ thay đổi tài sản bảo đảm từ chiếc xe ô tô sang tài sản khác phù hợp.
Bên cạnh đó, thỏa thuận về tài sản cầm cố ban đầu giữa hai bên là bạn được sử dụng chiếc xe ô tô để chạy taxi công nghệ, đổi lại mức lãi suất cho vay giảm một nửa. Đó có thể là căn cứ để trong trường hợp dịch bệnh và quy định pháp luật thay đổi, hợp đồng cầm cố có thể được sửa đổi theo Điều 420 của Bộ luật này, với nội dung thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản như sau:
“1. Hoàn cảnh thay đổi cơ bản khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Sự thay đổi hoàn cảnh do nguyên nhân khách quan xảy ra sau khi giao kết hợp đồng;
b) Tại thời điểm giao kết hợp đồng, các bên không thể lường trước được về sự thay đổi hoàn cảnh;
c) Hoàn cảnh thay đổi lớn đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác;
d) Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng mà không có sự thay đổi nội dung hợp đồng sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên;
đ) Bên có lợi ích bị ảnh hưởng đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, phù hợp với tính chất của hợp đồng mà không thể ngăn chặn, giảm thiểu mức độ ảnh hưởng đến lợi ích.
2.Trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý.
3.Trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng trong một thời hạn hợp lý, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:
a) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;
b) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.
Tòa án chỉ được quyết định việc sửa đổi hợp đồng trong trường hợp việc chấm dứt hợp đồng sẽ gây thiệt hại lớn hơn so với các chi phí để thực hiện hợp đồng nếu được sửa đổi.
4.Trong quá trình đàm phán sửa đổi, chấm dứt hợp đồng, Tòa án giải quyết vụ việc, các bên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ của mình theo hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Khi các bên đã thỏa thuận thay đổi hợp đồng cầm cố, tài sản bảo đảm không còn là chiếc ô tô của người vay, cũng như mức lãi suất của hợp đồng cho vay tăng lên.