CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:
Tôi có một chiếc xe ô tô đã qua sử dụng bán cho người khác. Người mua muốn ghi nhận trên hợp đồng trị giá thấp hơn thực tế để họ nộp lệ phí trước bạ ít hơn. Đề nghị các anh chị cho biết, nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử lý như thế nào
Tôi có một chiếc xe ô tô đã qua sử dụng bán cho người khác. Người mua muốn ghi nhận trên hợp đồng trị giá thấp hơn thực tế để họ nộp lệ phí trước bạ ít hơn.
Đề nghị các anh chị cho biết, nếu bị phát hiện thì sẽ bị xử lý như thế nào?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
Để giao dịch dân sự có hiệu lực, theo khoản 1 Điều 117 Bộ luật dân sự năm 2015, giao dịch đó phải đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
“a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội”.
Lệ phí trước bạ là một trong những loại lệ phí, theo khoản 2 Điều 3 Luật Phí và lệ phí năm 2015, “là khoản tiền được ấn định mà tổ chức, cá nhân phải nộp khi được cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công, phục vụ công việc quản lý nhà nước được quy định trong Danh mục lệ phí ban hành kèm theo Luật này”.
Về nguyên tắc, mức thu phí được xác định cơ bản bảo đảm bù đắp chi phí, có tính đến chính sách phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước trong từng thời kỳ, bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân. Mức thu lệ phí được ấn định trước, không nhằm mục đích bù đắp chi phí; mức thu lệ phí trước bạ được tính bằng tỷ lệ phần trăm trên giá trị tài sản; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch và bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân.
Cũng chính vì vậy, khoản 1 Điều 16 của Luật này quy định các hành vi nghiêm cấm bao gồm:
“a) Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí;
b) Thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định của pháp luật”.
Trường hợp vi phạm các quy định của pháp luật về phí, lệ phí thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Cụ thể: Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 186/2013/TT-BTC ngày 05/12/2013 của Bộ Tài chính quy định “Phạt tiền từ 01 đến 03 lần số tiền phí, lệ phí gian lận, trốn nộp đối với hành vi gian lận, trốn nộp phí, lệ phí theo quy định. Mức phạt tiền tối đa là 50.000.000 đồng”.
Bên cạnh đó, giao dịch mua bán chiếc xe ô tô giữa hai bên bị vô hiệu. Bởi vì, theo Điều 123 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.
Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.
Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.
Như bạn đã biết, mọi công dân có nghĩa vụ chấp hành đúng quy định của pháp luật, tương ứng sẽ được pháp luật bảo vệ quyền. Cho nên, theo chúng tôi, khi xác lập hợp đồng mua bán, hai bên cần ghi nhận chính xác nội dung thỏa thuận, trong đó có trị giá thực tế của hàng hóa giao dịch.