CÂU HỎI KHÁCH HÀNG:
Vợ chồng cậu em đồng nghiệp ở cơ quan tôi đã có một con gái, và đang có kế hoạch sinh con thứ hai.
Vì muốn có cả con trai, con gái và mong mỏi từ gia đình bố mẹ hai bên, họ đang tìm hiểu các phương pháp lựa chọn giới tính thai nhi như tính tháng sinh tuổi cha mẹ; soi lọc trứng, tinh trùng; sử dụng thuốc hỗ trợ; căn thời điểm quan hệ…
Tuy nhiên, họ cũng lăn tăn các biện pháp này có bị pháp luật hạn chế hay không?
LUẬT SƯ TRẢ LỜI:
Nhằm bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình, Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của Luật này được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
3. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.
4. Danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật đời tư và các quyền riêng tư khác của các bên được tôn trọng, bảo vệ trong quá trình giải quyết vụ việc về hôn nhân và gia đình”.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh Dân số năm 2003, một trong các hành vi bị nghiêm cấm là “lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức”.
Hướng dẫn chi tiết nội dung này, Điều 10 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP ngày 16/09/2003 của Chính phủ quy định nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, bao gồm:
“1. Tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi dưới các hình thức: tổ chức nói chuyện, viết, dịch, nhân bản các loại sách, báo, tài liệu, tranh, ảnh, ghi hình, ghi âm; tàng trữ, lưu truyền tài liệu, phương tiện và các hình thức tuyên truyền, phổ biến khác về phương pháp tạo giới tính thai nhi.
2. Chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp: xác định qua triệu chứng, bắt mạch; xét nghiệm máu, gen, nước ối, tế bào; siêu âm, ….
3. Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác”.
Tóm lại, pháp luật hôn nhân và gia đình nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, bằng bất cứ phương pháp nào. Cơ sở khoa học của quy định này nhằm tránh tình trạng mất cân bằng giới tính đang ngày càng nghiêm trọng; loại bỏ hủ tục, tâm lý “trọng nam, khinh nữ” vẫn tồn tại ở một số người.
Theo Điều 83 nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ, vi phạm quy định về lựa chọn giới tính thai nhi sẽ bị xử lý như sau:
“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.
3. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn;
b) Cung cấp thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn;
c) Nghiên cứu các phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn, trừ trường hợp được pháp luật cho phép.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tịch thu tang vật được sử dụng để thực hiện hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này;
b) Đình chỉ hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, nghiên cứu trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 3 Điều này;
c) Đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều này”.
Nói cách khác, pháp luật nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi. Cho nên, người nào có hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần ép buộc người khác phải áp dụng phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn hoặc thực hiện các hành vi chỉ định, hướng dẫn, cung cấp thuốc để có được giới tính thai nhi theo ý muốn đều bị xử lý theo quy định.