CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG
Xin hỏi, không ở liên tục trong một thời gian nhất định, tôi có phải đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương hay không? Có người nói chỉ cần đăng ký lưu trú như thuê khách sạn, nhà nghỉ. Chỉ có điều, nếu yêu cầu chủ nhà làm việc này thì sẽ rất khó khăn, bởi vì họ không ở đây!?
Tôi đang theo học cao học tại Trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam, địa chỉ: Thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Vì chỉ học vào ngày thứ bảy hằng tuần, nên chiều tối thứ 6 tôi mới đi từ Nam Định lên và ngủ đêm nhờ ở nhà một người quen ở gần trường. Nhà này họ để không vì cả gia đình chuyển vào nội thành sinh sống.
Xin hỏi, không ở liên tục trong một thời gian nhất định, tôi có phải đăng ký tạm trú với chính quyền địa phương hay không? Có người nói chỉ cần đăng ký lưu trú như thuê khách sạn, nhà nghỉ. Chỉ có điều, nếu yêu cầu chủ nhà làm việc này thì sẽ rất khó khăn, bởi vì họ không ở đây!?
TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ
Điều 30 Văn bản hợp nhất Luật Cư trú số 03/VBHN-VPQH ngày 11/7/2013 của Văn phòng Quốc Hội quy định về đăng ký tạm trú như sau:
- Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.
- Người đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
- Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.
- Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.
Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và có thời hạn tối đa là hai mươi bốn tháng. Trong thời hạn ba mươi ngày trước ngày hết thời hạn tạm trú, công dân đến cơ quan Công an nơi cấp sổ tạm trú để làm thủ tục gia hạn. Việc điều chỉnh thay đổi về sổ tạm trú được thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Luật này. Sổ tạm trú bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Trường hợp đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì phải đăng ký lại.
- Trường hợp người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ sáu tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ tạm trú phải xóa tên người đó trong sổ đăng ký tạm trú”.
Theo đó, đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú. Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến người tạm trú phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.
Tuy nhiên, thông tin của bạn cho thấy, bạn chỉ ở nhà người quen vào đêm ngày thứ sáu để cuối tuần học cao học. Trường hợp của bạn là lưu trú.
Khoản 1 Điều 31 của Văn bản hợp nhất Luật Cư trú quy định: “Lưu trú là việc công dân ở lại trong một thời gian nhất định tại địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn ngoài nơi cư trú của mình và không thuộc trường hợp phải đăng ký tạm trú”.
Bên cạnh đó, theo khoản 2 của Điều này, “đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn; trường hợp người đến lưu trú tại nhà ở của gia đình, nhà ở tập thể mà chủ gia đình, nhà ở tập thể đó không đăng ký thường trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn. Việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng Internet, mạng máy tính. Công an xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thông báo địa điểm, địa chỉ mạng Internet, địa chỉ mạng máy tính, số điện thoại nơi tiếp nhận thông báo lưu trú cho nhân dân biết”.
Thêm nữa, hướng dẫn nội dung này, khoản 2 Điều 21 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/09/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định đại diện gia đình, nhà ở tập thể, cơ sở chữa bệnh, khách sạn, nhà nghỉ, cơ sở khác khi có người đến lưu trú có trách nhiệm:
“a) Đề nghị người đến lưu trú xuất trình một trong các giấy tờ sau: Chứng minh nhân dân; hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; giấy tờ tùy thân khác hoặc giấy tờ do cơ quan, tổ chức, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cấp. Đối với người dưới 14 tuổi đến lưu trú thì không phải xuất trình các giấy tờ nêu trên nhưng phải cung cấp thông tin về nhân thân của người dưới 14 tuổi;
b) Thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn.
Trường hợp người đến lưu trú tại nhà ở của gia đình, nhà ở tập thể mà chủ gia đình, nhà ở tập thể đó không cư trú tại địa bàn xã, phường, thị trấn đó thì người đến lưu trú có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an xã, phường, thị trấn”.
Có nghĩa là, nếu chủ nhà cho bạn mượn không đăng ký thường trú tại địa chỉ đó, với tư cách là người lưu trú, bạn có trách nhiệm thông báo việc lưu trú với Công an Thị trấn Xuân Mai.
Lưu ý, việc thông báo lưu trú được thực hiện trực tiếp hoặc bằng điện thoại hoặc qua mạng internet, mạng máy tính. Thời gian lưu trú tùy thuộc nhu cầu của công dân. Người tiếp nhận thông báo lưu trú phải ghi vào sổ tiếp nhận lưu trú và không cấp giấp tờ chứng nhận lưu trú cho công dân.