CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:
Tôi đã lấy chồng được 10 năm và hai vợ chồng tôi đã có với nhau 2 đứa con, một cháu 7 tuổi và 1 cháu mới được 3 tháng tuổi. Chồng tôi tính cục cằn, thô lỗ, thường xuyên chửi bới, đánh đập tôi. Tôi cũng vì các con mà cam chịu hoàn cảnh nhưng anh ta càng ngày càng trở nên hung bạo. Hôm vừa rồi mặc cho tôi đang chăm con nhỏ chồng tôi vẫn lao vào đánh tôi như kẻ thù nên tôi muốn hỏi tôi có thể đơn phương ly hôn được không vì nhiều lần tôi viết đơn chồng tôi không chịu ký mà chỉ thêm có cớ để sinh sự?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Trên cơ sở quy định Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì “Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình”. Do đó, nếu bạn xác định mình thường xuyên bị người chồng “Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng” và “Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm” thì bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình (Căn cứ theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007).
Do đó, trước hết để bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình và nhằm ngăn chặn, hạn chế kịp thời hành vi bạo lực gia đình tiếp diễn, bạn có thể làm đơn trình báo gửi tới cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi bạn có hộ khẩu thường trú về việc mình bị đánh đập, lăng nhục để cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Tại Điều 5 Luật phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007 thì bạn có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
“Điều 5. Quyền và nghĩa vụ của nạn nhân bạo lực gia đình
1.Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;
b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;
c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;
d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2.Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu.”
Đối với câu hỏi của bạn, tôi xin trả lời như sau:
– Tại Khoản 1 Điều 51, Khoản 1 Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
“Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1.Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn”.
“Điều 56. Ly hôn theo yêu cầu của một bên
1.Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.”
– Tại điểm a Khoản 1 Điều 28, điểm a Khoản 1 Điều 35, Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định:
“Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
1.Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn.”
“Điều 35. Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện
1.Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;”
“Điều 39. Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ
1.Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;”
Như vậy, căn cứ theo các quy định nêu trên, nếu sau khi Tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu ly hôn và tổ chức hòa giải tại tòa nhưng không thành, nếu đủ căn cứ chứng minh bạn là nạn nhân của bạo lực gia đình thì bạn có thể yêu cầu Tòa giải quyết ly hôn đơn phương. Trong trường hợp này thì tòa án cấp quận/huyện nơi người chồng của bạn cư trú, làm việc (tức bị đơn) sẽ có thẩm quyền giải quyết ly hôn cho bạn theo thủ tục sơ thẩm.
Bạn cần lưu ý khi chuẩn bị các loại giấy tờ trong thủ tục ly hôn theo hướng dẫn của Tòa thì điểm khác biệt duy nhất giữa hai hình thức ly hôn là đối với trường hợp đơn phương ly hôn sẽ dùng “Mẫu đơn xin ly hôn đơn phương” được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao về ban hành một số biểu mẫu trong tố tụng dân sự.