CÂU HỎI KHÁCH HÀNG:
Chú của tôi đi lao động ở Hàn Quốc nhưng hơn 5 năm nay biệt vô âm tín, không hề có liên hệ gì với gia đình. Mới đây, thím của tôi qua xin phép để đi lấy người khác và được ông bà tôi chấp nhận.
Trong trường hợp này, thím của tôi có nhất thiết phải làm thủ tục ly hôn với chú của tôi trước khi kết hôn với người khác hay không?
LUẬT SƯ TRẢ LỜI:
Ly hôn, theo khoản 14 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án”.
Trong trường hợp vợ chồng cùng yêu cầu ly hôn, nếu xét thấy hai bên thật sự tự nguyện ly hôn và đã thỏa thuận về việc chia tài sản, việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con trên cơ sở bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án công nhận thuận tình ly hôn; nếu không thỏa thuận được hoặc có thỏa thuận nhưng không bảo đảm quyền lợi chính đáng của vợ và con thì Tòa án giải quyết việc ly hôn.
Chú của bạn đang ở nước ngoài và không thể liên hệ được để có căn cứ và thực hiện thuận tình ly hôn. Cho nên, nếu muốn ly hôn, thím của bạn có thể yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Điều 56 của Luật này. Cụ thể:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia”.
Có nghĩa là, Tòa án sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật để giải quyết việc ly hôn theo yêu cầu của một bên. Trong trường hợp này, trước tiên thím của bạn phải thực hiện thủ tục đề nghị Tòa án tuyên bố chồng mình mất tích.
Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự năm 2015, “khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.
Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng”.
Khoản 2 của Điều này cũng quy định: “Trường hợp vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích xin ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Tóm lại, sau khi Tòa án có quyết định tuyên bố chú của bạn mất tích, thím của bạn có thể thực hiện thủ tục yêu cầu ly hôn đơn phương. Đồng nghĩa với việc, chỉ khi có quyết định giải quyết việc ly hôn, thím của bạn mới có thể kết hôn với người khác nếu cả hai đáp ứng các điều kiện kết hôn theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Đó là:
“a. Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c. Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d. Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.
Điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này quy định cấm các hành vi kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo; Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn; Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ; Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.