Mua bán quyền đòi nợ quy định mới nhất

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Tôi cho một người vay số tiền 500 triệu đồng, có hợp đồng cho vay được ký kết giữa hai bên và thời hạn trả nợ là cuối năm 2017.

Hiện tại tôi có nhu cầu sử dụng tiền để mua căn hộ chung cư nhưng không thỏa thuận được với người vay về việc trả nợ trước hạn.

Vì người bán căn hộ có quen biết với người vay tiền của tôi nên sẵn sàng nhận chuyển giao quyền đòi nợ số tiền nêu trên, nếu tôi chấp nhận chịu thêm phần lãi suất 0.5%/tháng trong thời gian còn lại của hợp đồng cho vay.

Đề nghị các anh/chị cho biết:

– Pháp luật có cho phép chuyển giao chủ thể của hợp đồng cho vay tiền hay không?

– Nếu pháp luật cho phép, có cần sự đồng ý của người vay hay không?

LUẬT SƯ TƯ VẤN:

Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về tài sản như sau:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2.Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Quyền tài sản, theo Điều 115 của Bộ luật này, “là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác”.

Điều 430 của Bộ luật này quy định: “Hợp đồng mua bán tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán”.

Đồng thời, khoản 1 Điều 431 cũng chỉ rõ, “tài sản được quy định tại Bộ luật này đều có thể là đối tượng của hợp đồng mua bán. Trường hợp theo quy định của luật, tài sản bị cấm hoặc bị hạn chế chuyển nhượng thì tài sản là đối tượng của hợp đồng mua bán phải phù hợp với các quy định đó”.

Như vậy, bạn cho người khác vay số tiền 500 triệu đồng, nghĩa là bạn có quyền đòi nợ và đó chính là quyền tài sản của bạn. Cho nên, bạn có quyền thỏa thuận với người bán căn hộ về việc mua bán tài sản là quyền đòi nợ.

Mua bán quyền tài sản được quy định tại Điều 450 của Bộ luật này như sau:

“1. Trường hợp mua bán quyền tài sản thì bên bán phải chuyển giấy tờ và làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên mua, bên mua phải trả tiền cho bên bán.

2.Trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.

3.Thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản là thời điểm bên mua nhận được giấy tờ về quyền sở hữu đối với quyền tài sản đó hoặc từ thời điểm đăng ký việc chuyển quyền sở hữu, nếu pháp luật có quy định”.

Có thể nói, quyền tài sản khác với các tài sản khác được quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu trên vì nó không tồn tại một cách hữu hình, mà thông qua các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sự thừa nhận của các bên trong quan hệ nghĩa vụ liên quan đến quyền tài sản đó. Nói cách khác, việc chuyển quyền sở hữu đối với quyền tài sản thực chất là chuyển giao giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với quyền tài sản từ bên bán sang bên mua.

Bạn cần lưu ý, khi chuyển giao quyền đòi nợ cho người bán căn hộ, nếu hai bên thỏa thuận bạn phải cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người vay thì bạn trở thành bên bảo lãnh cho nghĩa vụ trả nợ của người vay. Ngược lại, nếu không có cam kết này, bạn không phải chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ của người vay.

Về nguyên tắc, khi thực hiện chuyển giao quyền đòi nợ cho người khác, bạn không cần có sự đồng ý của người vay, nhưng phải thông báo cho họ biết. Bởi vì, Điều 365 Bộ luật này quy định về việc chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ như sau:

“1. Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thoả thuận, trừ trường hợp sau đây:

a) Quyền yêu cầu cấp dưỡng, yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín;

b) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định về việc không được chuyển giao quyền yêu cầu.

2.Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu. Việc chuyển giao quyền yêu cầu không cần có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ.

Người chuyển giao quyền yêu cầu phải thông báo bằng văn bản cho bên có nghĩa vụ biết về việc chuyển giao quyền yêu cầu, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp bên chuyển giao quyền yêu cầu không thông báo về việc chuyển giao quyền mà phát sinh chi phí cho bên có nghĩa vụ thì bên chuyển giao quyền yêu cầu phải thanh toán chi phí này”.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ