Nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác có bị hạn chế giao dịch không?

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Thời gian gần đây, cô Giám đốc của Công ty tôi trông rất suy sụp. Lý do là con trai cô năm nay 21 tuổi, bị nghiện ma túy. Cậu ấy không chỉ bỏ bê việc học hành, ăn ngủ mà còn phát sinh rất nhiều khoản nợ nần. Thậm chí, có cả chuyện xã hội đen đến nhà uy hiếp, cô phải cắn răng trả nợ thay.

Cậu ta còn lấy trộm nhiều đồ đạc có giá trị của gia đình đem bán. Khi phát hiện, gia đình cô phải bỏ tiền ra chuộc, song cũng có nhiều trường hợp người mua không đồng ý với lý do thuận mua vừa bán, hàng hóa không phải đăng ký quyền sở hữu.

Đề nghị các anh chị tư vấn giúp, làm thế nào để hạn chế quyền giao dịch tài sản của những người như con trai cô giám đốc của Công ty tôi?

LUẬT SƯ TƯ VẤN

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là khả năng của cá nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự. Mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau. Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân không bị hạn chế, trừ trường hợp pháp luật có liên quan quy định khác.

Nếu như năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết, thì năng lực hành vi dân sự của cá nhân, theo Điều 19 Bộ luật Dân sự năm 2012, “là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Điều 24 của Bộ luật này quy định về hạn chế năng lực hành vi dân sự như sau:

“1. Người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án có thể ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Tòa án quyết định người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự và phạm vi đại diện.

2.Việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày hoặc luật liên quan có quy định khác.

3.Khi không còn căn cứ tuyên bố một người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì theo yêu cầu của chính người đó hoặc của người có quyền, lợi ích liên quan hoặc của cơ quan, tổ chức hữu quan, Tòa án ra quyết định hủy bỏ quyết định tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự”.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp con trai cô giám đốc Công ty của bạn được xác định bị nghiện ma túy, cô ấy hoặc người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố người này là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Khi đó, việc xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người bị Tòa án tuyên bố hạn chế năng lực hành vi dân sự phải có sự đồng ý của người đại diện theo pháp luật, trừ giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của họ.

Như chúng ta đã biết, giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự được quy định tại Điều 117 Bộ luật này như sau:

“1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

2.Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.

Nói cách khác, giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định nêu trên thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác. Cũng chính vì vậy, khi Tòa án đã quyết định tuyên bố con trai cô giám đốc của Công ty bạn là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, về nguyên tắc, giao dịch dân sự do cậu ta xác lập, thực hiện bị vô hiệu. Bởi vì, Điều 125 của Bộ luật này quy định:

“1. Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện hoặc đồng ý, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2.Giao dịch dân sự của người quy định tại khoản 1 Điều này không bị vô hiệu trong trường hợp sau đây:

a) Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của người đó;

b) Giao dịch dân sự chỉ làm phát sinh quyền hoặc chỉ miễn trừ nghĩa vụ cho người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự với người đã xác lập, thực hiện giao dịch với họ;

c) Giao dịch dân sự được người xác lập giao dịch thừa nhận hiệu lực sau khi đã thành niên hoặc sau khi khôi phục năng lực hành vi dân sự”.

Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ