Người chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì ai phải bồi thường.

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Khu chung cư của chúng tôi có một sân rộng, được bố trí làm khu vui chơi, thư giãn, thể dục thể thao…

Chủ nhật vừa rồi, các cháu trẻ con tổ chức đá bóng ở đây, làm vỡ kính của một Văn phòng Công ty. Ban Quản lý tòa nhà và đại diện Công ty này đã lập biên bản ghi nhận sự việc, đồng thời thông báo tới từng gia đình yêu cầu bồi thường thay cho con mình.

Xin hỏi, các cháu sinh hoạt tại khu vực vui chơi, thư giãn, thể dục thể thao thuộc sở hữu chung, không có biển cấm đá bóng thì việc làm vỡ kính như trên có phải bồi thường hay không? Các cháu đều dưới 18 tuổi thì bố mẹ có phải thực hiện thay trách nhiệm này hay không?

LUẬT SƯ TƯ VẤN

Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được quy định tại Điều 584 Bộ luật Dân sự năm 2015. Đó là:

“1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2.Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3.Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này”.

Điều 585 của Bộ luật này quy định nguyên tắc bồi thường thiệt hại như sau:

“1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2.Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3.Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4.Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5.Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”.

Như vậy, người có hành vi xâm phạm tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp cuả người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Ví dụ: trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại… thì không phải bồi thường.

Theo thông tin bạn cung cấp, các cháu đá bóng tại sân chơi thuộc sở hữu chung của tòa nhà. Trên thực tế, công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung của tòa nhà phải theo thiết kế, phê duyệt dự án và thường được xác định cụ thể, có quy chế vận hành và các thành viên phải tuân thủ. Mặc dù được xác định là khu vực thể dục thể thao, nhưng chắc chắn trong đó không bố trí chỗ để các cháu đá bóng. Cho nên, không cần biển cấm thì các cháu cũng không được chơi môn thể thao này ở đây.

Điều đó có nghĩa, các cháu đá bóng làm vỡ kính của văn phòng Công ty, về nguyên tắc khi có hành vi gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được quy định tại Điều 586 Bộ luật này. Cụ thể:

“1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.

2.Người chưa đủ mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 599 của Bộ luật này.

Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.

3.Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường”.

Quy định nêu trên được hiểu, năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân được xác định theo độ tuổi, năng lực trách nhiệm dân sự và tài sản sở hữu. Chẳng hạn, các cháu dưới 15 tuổi thì cha mẹ có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại. Nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu. Ngược lại, nếu các cháu từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu.

Nói cách khác, nếu các cháu có hành vi gây thiệt hại cho người khác đều dưới 18 tuổi, cha mẹ có nghĩa vụ hỗ trợ hoặc thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho văn phòng Công ty nêu trên.

Thiệt hại thực tế phải được xác định cụ thể, chi tiết. Trường hợp này, nếu nhiều cháu cùng gây thiệt hại, theo Điều 587 Bộ luật này, “những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau”. 

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ