Em đang là sinh viên nhưng muốn đi làm để lấy kinh nghiệm cũng như kiếm thêm thu nhập để đỡ đần bố mẹ phần nào. Chính vì vậy, em đã xin đi làm cho một cửa hàng kinh doanh máy lọc nước, máy lọc không khí online, vị trí giao hàng đến tận địa chỉ của người mua trong phạm vi nội thành Hà Nội. Em đang băn khoăn về việc điều kiện để được ký hợp đồng lao động là chủ cửa hàng yêu cầu em nộp một khoản tiền đặt cọc 10 triệu đồng. Nếu em vi phạm hợp đồng, nộp lại tiền hàng không đầy đủ thì sẽ bị trừ vào số tiền này. Không biết, chủ cửa hàng nơi em dự kiến xin làm việc có quyền như vậy hay không?
Trả lời
Theo Điều 15 Bộ luật Lao động năm 2012, “Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động”.
Nội dung của Hợp đồng lao động phải có những nội dung chủ yếu như Tên và địa chỉ người sử dụng lao động hoặc của người đại diện hợp pháp; Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động; Công việc và địa điểm làm việc; Thời hạn của hợp đồng lao động; Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác; Chế độ nâng bậc, nâng lương; Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi; Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động; Bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế…
Thông tin của bạn không nêu rõ việc chủ cửa hàng yêu cầu bạn nộp 10 triệu đồng là tiền bảo đảm thực hiện hợp đồng (ví dụ: yêu cầu bạn làm việc trong một thời hạn tối thiểu nhất định) hay đảm bảo việc nộp lại tiền hàng họ đã yêu cầu bạn giao cho khách hàng.
Nếu đó là điều kiện để ký kết hợp đồng lao động, chủ cửa hàng đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Bởi vì, Điều 20 của Bộ luật này quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động bao gồm:
“1. Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.
2.Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”.
Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng, người sử dụng lao động sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Điều 5 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 88/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Đó là, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:
“a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;
b) Buộc người lao động thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động;
c) Giao kết hợp đồng lao động với người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà không có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người lao động”.
Bên cạnh đó, họ còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc trả lại số tiền hoặc tài sản đã giữ của người lao động cộng với khoản tiền lãi của số tiền đã giữ của người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này.”
Nếu đó chỉ là biện pháp để bảo đảm bạn thực hiện nghĩa vụ nộp lại tiền hàng đã nhận từ khách hàng thì nội dung này đã được pháp luật dân sự quy định và do hai bên thỏa thuận.
Các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bao gồm: Cầm cố tài sản, thế chấp tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, bảo lãnh, tín chấp, cầm giữ tài sản.
Đặt cọc được quy định tại Điều 328 Bộ luật Dân sự năm 2015 như sau:
“1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.
2.Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
Bạn cần tìm hiểu rõ chủ cửa hàng kinh doanh máy lọc nước, máy lọc không khí online yêu cầu bạn nộp khoản tiền 10 triệu là để bảo đảm thực hiện hợp đồng lao động hay đặt cọc để bảo đẩm thực hiện nghĩa vụ giao hàng thu tiền. Qua đó, xác định họ có quyền theo quy định của pháp luật dân sự hay vi phạm pháp luật lao động.