Vợ chồng con gái tôi đi lao động, gặp nhau làm đám cưới ở Hàn Quốc. Sau khi hết hạn hợp đồng, vợ chồng con gái tôi ra ngoài làm việc không chính thức cho một chủ tư nhân. Chính vì vậy, khi sinh con, chúng phải gửi con về Việt Nam để tôi chăm sóc.
Tôi có thể thay mặt bố mẹ cháu đăng ký khai sinh cho cháu ở Việt Nam hay không? Thủ tụ thực hiện như thế nào?
Trả lời
Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh.
Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ có thẩm quyền giải quyết đăng ký khai sinh cho cháu của bác nếu cháu thuộc trường hợp được quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật Hộ tịch năm 2014. Đó là, trẻ em được sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam:
“a) Có cha và mẹ là công dân Việt Nam;
b) Có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam”.
Nơi cư trú của công dân là nơi họ đăng ký hoặc tạm trú. Chính vì vậy, nếu bố hoặc mẹ cháu còn đăng ký thường trú tại Việt Nam, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi bố hoặc mẹ cháu đăng ký thường trú có thẩm quyền giải quyết đăng ký khai sinh cho cháu.
Thủ tục đăng ký khai sinh đối với trường hợp của cháu được quy định tại Điều 36 của Luật này như sau :
“1. Người đi đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Luật này cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp cha hoặc mẹ hoặc cả cha và mẹ là người nước ngoài thì phải nộp văn bản thỏa thuận của cha, mẹ về việc chọn quốc tịch cho con.
Trường hợp cha, mẹ chọn quốc tịch nước ngoài cho con thì văn bản thỏa thuận phải có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài mà người đó là công dân.
2. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy thông tin khai sinh đầy đủ và phù hợp, công chức làm công tác hộ tịch ghi nội dung khai sinh theo quy định tại Điều 14 của Luật này vào Sổ hộ tịch; trường hợp trẻ em có quốc tịch nước ngoài thì không ghi nội dung quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật này.
Công chức làm công tác hộ tịch, người đi đăng ký khai sinh cùng ký tên vào Sổ hộ tịch. Phòng Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy khai sinh cho người được đăng ký khai sinh.
3. Chính phủ quy định thủ tục đăng ký khai sinh đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 35 của Luật này”.
Vì bố mẹ cháu đang ở nước ngoài, là ông bà, đang nuôi dưỡng cháu, bác có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho cháu. Bởi vì, khoản 1 Điều 15 của Luật này quy định: “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, cha hoặc mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con; trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em”.
Bác cần chuẩn bị và nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh.
Hướng dẫn cụ thể nội dung này, theo khoản 2 Điều 29 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ, người yêu cầu đăng ký khai sinh xuất trình giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam và nộp các giấy tờ sau đây:
“a) Tờ khai theo mẫu quy định;
b) Giấy chứng sinh hoặc giấy tờ khác do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp xác nhận về việc trẻ em được sinh ra ở nước ngoài và quan hệ mẹ – con nếu có;
c) Văn bản thỏa thuận của cha mẹ lựa chọn quốc tịch cho con theo quy định tại Khoản 1 Điều 36 của Luật Hộ tịch đối với trường hợp trẻ em có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam, người kia là công dân nước ngoài”.
Giấy tờ chứng minh việc trẻ em cư trú tại Việt Nam gồm: giấy tờ chứng minh việc trẻ em đã nhập cảnh vào Việt Nam (hộ chiếu, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế có dấu xác nhận nhập cảnh của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh) và văn bản xác nhận của cơ quan công an có thẩm quyền về việc trẻ em đang cư trú tại Việt Nam.
Ngay trong ngày tiếp nhận yêu cầu, Phòng Tư pháp kiểm tra hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác và đúng quy định pháp luật thì đăng ký theo trình tự, thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 36 của Luật Hộ tịch. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 của Nghị định này.