CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:
Năm 2017 vợ chồng em mua được một chiếc xe ô tô. Thời điểm đó, trị giá của chiếc xe này là 800 triệu đồng. Mới đây, thấy anh ấy không đi xe về nhà, em gặng hỏi thì được trả lời đã gán nợ cho người khác. Em tìm hiểu kỹ thì do anh ấy thua bạc, phải bán rẻ cho người thắng. Tiền mua chiếc xe này là của cả hai vợ chồng gom góp, nhưng khi đăng ký chỉ mình anh ấy đứng tên. Trong trường hợp đó, nếu không có sự đồng ý của em thì anh ấy có thể bán cho người khác được hay không?
LUẬT SƯ TƯ VẤN
Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về tài sản chung của vợ chồng như sau:
“1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
2.Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
3.Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung”.
Theo đó, nếu chiếc xe ô tô là tài sản do vợ chồng bạn mua được trong thời kỳ hôn nhân thì đó là tài sản chung của hai người, ngay cả khi một trong hai người không đóng góp tiền để mua.
Xe ô tô là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Về nguyên tắc, đăng ký xe phải ghi tên của cả hai vợ chồng. Bởi lẽ, Điều 34 của Luật này quy định:
“1. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng kýquyền sở hữu, quyền sử dụng thì giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng phải ghi tên cả hai vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.
2.Trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên một bên vợ hoặc chồng thì giao dịch liên quan đến tài sản này được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này; nếu có tranh chấp về tài sản đó thì được giải quyết theo quy định tại khoản 3 Điều 33 của Luật này”.
Thông tin của bạn cho thấy, đăng ký xe chỉ một mình chồng bạn đứng tên. Tuy nhiên, đó là tài sản chung của vợ chồng bạn. Mọi giao dịch liên quan đến chiếc xe được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Luật này về đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng. Đó là:
“1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.
2.Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi”.
Thêm nữa, Điều 35 của Luật này quy định rất cụ thể về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung như sau:
“1. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung do vợ chồng thỏa thuận.
2.Việc định đoạt tài sản chung phải có sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng trong những trường hợp sau đây:
a) Bất động sản;
b) Động sản mà theo quy định của pháp luật phải đăng ký quyền sở hữu;
c) Tài sản đang là nguồn tạo ra thu nhập chủ yếu của gia đình”.
Vì thế, chồng bạn không được tự ý bán chiếc xe ô tô là tài sản chung của vợ chồng cho người khác khi chưa có sự đồng ý của bạn. Nói cách khác, việc mua bán này vô hiệu, chưa kể giao dịch giữa họ còn che dấu hay chứng mình cho hành vi vi phạm pháp luật khác là đánh bạc. Tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi mà cả hai có thể bị xử lý vi phạm hành chính hay chịu trách nhiệm hình sự.