CÂU HỎI: Tôi cho một chị bạn vay tiền, trả dần hàng tháng. Trước khi chuyển công tác vào Đà Nẵng, người này cùng với em trai có đến gặp tôi và thông báo từ giờ trở đi, người em trai sẽ là người trả tiền cho tôi. Vì tin tưởng nên tôi cũng đồng ý. Tôi cho một chị bạn vay tiền, trả dần hàng tháng.
Trước khi chuyển công tác vào Đà Nẵng, người này cùng với em trai có đến gặp tôi và thông báo từ giờ trở đi, người em trai sẽ là người trả tiền cho tôi. Vì tin tưởng nên tôi cũng đồng ý.
Tuy vậy, ngay kỳ trả tiền tiếp theo, người em trai đã không thực hiện như cam kết. Tôi gọi điện cho chị bạn thì người này trả lời đã thỏa thuận với tôi chuyển trách nhiệm trả khoản tiền vay cho người em trai. Cho nên, chị ta hết trách nhiệm và tôi phải đi đòi người em trai của chị ấy.
Trên thực tế, khi đó tôi chỉ nghĩ rằng chị bạn trả tiền cho mình thông qua người em trai, chứ không phải chuyển toàn bộ khoản vay và trả nợ cho người này. Liệu tôi có thể tiếp tục yêu cầu chị bạn trả nợ cho mình hay không?
LUẬT SƯ TƯ VẤN:
Nghĩa vụ, theo Điều 274 Bộ luật Dân sự năm 2015, “là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền)”.
Điều 466 của Bộ luật này quy định về nghĩa vụ trả nợ của bên vay như sau:
“1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2.Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.
3.Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
4.Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc luật có quy định khác.
5.Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:
a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;
b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Bạn cho người khác vay tiền, về nguyên tắc người này có trách nhiệm trực tiếp trả lại cho bạn. Tuy nhiên, pháp luật dân sự cũng quy định người vay có thể thực hiện nghĩa vụ của mình thông qua người thứ ba.
Cụ thể, Điều 283 Bộ luật này quy định: “Khi được bên có quyền đồng ý, bên có nghĩa vụ có thể uỷ quyền cho người thứ ba thay mình thực hiện nghĩa vụ nhưng vẫn phải chịu trách nhiệm với bên có quyền, nếu người thứ ba không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ”.
Có nghĩa là, nếu được bạn đồng ý, người vay tiền của bạn có thể ủy quyền cho em trai trả nợ thay. Trường hợp người em trai không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ trả nợ tiền vay, người vay tiền vẫn phải thực hiện nghĩa vụ này. Nói cách khác, bạn có quyền tiếp tục yêu cầu người bạn cho vay trả nợ.
Dưới góc độ pháp lý, em trai của người vay phải thực hiện nghĩa vụ với tư cách người được ủy quyền.
Điều 138 của Bộ luật này quy định về đại diện theo ủy quyền như sau:
“1. Cá nhân, pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2.Các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân có thể thỏa thuận cử cá nhân, pháp nhân khác đại diện theo ủy quyền xác lập, thực hiện giao dịch dân sự liên quan đến tài sản chung của các thành viên hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân.
3.Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo uỷ quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện”.
Hậu quả pháp lý của hành vi đại diện được quy định tại Điều 139 của Bộ luật này. Cụ thể:
“1. Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện với người thứ ba phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện.
2.Người đại diện có quyền xác lập, thực hiện hành vi cần thiết để đạt được mục đích của việc đại diện.
3.Trường hợp người đại diện biết hoặc phải biết việc xác lập hành vi đại diện là do bị nhầm lẫn, bị lừa dối, bị đe dọa, cưỡng ép mà vẫn xác lập, thực hiện hành vi thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện, trừ trường hợp người được đại diện biết hoặc phải biết về việc này mà không phản đối”.
Căn cứ quy định nêu trên, bạn có quyền yêu cầu người em trai của người đã vay tiền bạn trả nợ vì người này đã được ủy quyền thực hiện nghĩa vụ này. Nếu người em trai không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, bạn có thể yêu cầu người vay tiền trả nợ cho mình.
Trường hợp họ không thực hiện, bạn có thể khởi kiện tại Tòa án để đòi tiền đã cho vay.