Em trúng tuyển làm việc cho một công ty mua bán lẻ hàng hóa, với vị trí thiết lập, chăm sóc và kiểm soát các giao dịch trực tuyến (online).
Tùy theo yêu cầu của khách hàng và chính sách của công ty, khi xác nhận đơn hàng có thể ghi nhận thời điểm giao hàng là một khoảng thời gian nhất định. Ví dụ, thông thường là sau 05 ngày kể từ ngày nhận được thanh toán trước 100% giá trị từ khách hàng hoặc sau 01 tháng kể từ ngày công ty tìm được nguồn hàng và thông báo cho khách hàng…
Trên thực tế, có trường hợp khách hàng từ chối nhận hàng vì lý do công ty em giao hàng chậm, dù chỉ 01 ngày.
Đề nghị các anh chị cho biết, pháp luật quy định như thế nào về cách tính thời hạn?
Trả lời
Điều 144 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về thời hạn như sau:
“1. Thời hạn là một khoảng thời gian được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác.
2.Thời hạn có thể được xác định bằng phút, giờ, ngày, tuần, tháng, năm hoặc bằng một sự kiện có thể sẽ xảy ra”.
Về việc áp dụng cách tính thời hạn, Điều 145 của Bộ luật này quy định:
“1. Cách tính thời hạn được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.
2.Thời hạn được tính theo dương lịch, trừ trường hợp có thoả thuận khác”.
Có nghĩa là, các bên tham gia giao dịch có thể thỏa thuận về cách tính thời hạn để làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cụ thể của mỗi bên. Nếu không có thỏa thuận, quy định của pháp luật dân sự sẽ được áp dụng.
Thời hạn, thời điểm tính thời hạn được quy định tại Điều 146 của Bộ luật này như sau:
“1. Trường hợp các bên có thoả thuận về thời hạn là một năm, nửa năm, một tháng, nửa tháng, một tuần, một ngày, một giờ, một phút mà khoảng thời gian diễn ra không liền nhau thì thời hạn đó được tính như sau:
a) Một năm là ba trăm sáu mươi lăm ngày;
b) Nửa năm là sáu tháng;
c) Một tháng là ba mươi ngày;
d) Nửa tháng là mười lăm ngày;
đ) Một tuần là bảy ngày;
e) Một ngày là hai mươi tư giờ;
g) Một giờ là sáu mươi phút;
h) Một phút là sáu mươi giây.
2.Trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu tháng, giữa tháng, cuối tháng thì thời điểm đó được quy định như sau:
a) Đầu tháng là ngày đầu tiên của tháng;
b) Giữa tháng là ngày thứ mười lăm của tháng;
c) Cuối tháng là ngày cuối cùng của tháng.
3.Trường hợp các bên thoả thuận về thời điểm đầu năm, giữa năm, cuối năm thì thời điểm đó được quy định như sau:
a) Đầu năm là ngày đầu tiên của tháng một;
b) Giữa năm là ngày cuối cùng của tháng sáu;
c) Cuối năm là ngày cuối cùng của tháng mười hai”.
Khi hợp đồng có xác định cụ thể thời hạn để một hoặc hai bên thực hiện nghĩa vụ, bạn cần chú ý đến thời điểm bắt đầu và kết thúc của thời hạn.
Thời điểm bắt đầu thời hạn được quy định tại Điều 147 Bộ luật này như sau:
“1. Khi thời hạn được xác định bằng phút, giờ thì thời hạn được bắt đầu từ thời điểm đã xác định.
2.Khi thời hạn được xác định bằng ngày, tuần, tháng, năm thì ngày đầu tiên của thời hạn không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
3.Khi thời hạn bắt đầu bằng một sự kiện thì ngày xảy ra sự kiện không được tính mà tính từ ngày tiếp theo liền kề của ngày xảy ra sự kiện đó”.
Có nghĩa là, trong trường hợp công ty bạn và khách hàng thỏa thuận thời hạn giao hàng là 05 ngày kể từ ngày nhận được thanh toán trước, thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn là ngày ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định là công ty bạn nhận được thanh toán trước đó. Ví dụ: Công ty bạn nhận được tiền của khách hàng ngày 01/10/2017, thì thời điểm bắt đầu tính thời hạn 05 ngày phải giao hàng là ngày 02/10/2017.
Nếu hai bên thỏa thuận thời hạn giao hàng sau 01 tháng kể từ ngày công ty bạn tìm được nguồn hàng và thông báo cho khách hàng, cách tính thời điểm bắt đầu của thời hạn cũng tương tự như vậy, là ngày tiếp theo liền kề ngày được xác định.
Thời điểm kết thúc thời hạn được quy định tại Điều 148 Bộ luật này như sau:
“1. Khi thời hạn tính bằng ngày thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn.
2.Khi thời hạn tính bằng tuần thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tuần cuối cùng của thời hạn.
3.Khi thời hạn tính bằng tháng thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng cuối cùng của thời hạn; nếu tháng kết thúc thời hạn không có ngày tương ứng thì thời hạn kết thúc vào ngày cuối cùng của tháng đó.
4.Khi thời hạn tính bằng năm thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày, tháng tương ứng của năm cuối cùng của thời hạn.
5.Khi ngày cuối cùng của thời hạn là ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày nghỉ lễ thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày làm việc tiếp theo ngày nghỉ đó.
6.Thời điểm kết thúc ngày cuối cùng của thời hạn vào lúc hai mươi tư giờ của ngày đó”.
Giả sử cùng với ví dụ nêu trên, thời hạn 05 ngày phải giao hàng của công ty bạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày 06/10/2017.
Nếu hai bên thỏa thuận thời hạn giao hàng sau 01 tháng, thì thời hạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày tương ứng của tháng kế tiếp liền kề. Ví dụ, ngày 01/10/2017 công ty bạn tìm được nguồn hàng và thông báo cho khách hàng, thì thời hạn phải giao hàng của công ty bạn kết thúc tại thời điểm kết thúc ngày 01/11/2017. Quá thời hạn này mà chưa thực hiện, tức là công ty bạn đã vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận.