THẨM QUYỀN TRONG XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH CỦA UBND XÃ, PHƯỜNG

THẨM QUYỀN TRONG XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH CỦA UBND XÃ, PHƯỜNG

UBND phường A ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chiếm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP với hình thức phạt tiền 4.000.000 đồng và biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại đất đã chiếm. Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 102/2014/NĐ-CP thì thẩm quyền xử phạt thuộc UBND cấp xã, tuy nhiên thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại đất đã chiếm lại thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Vậy, trong trường hợp này, việc UBND phường A ra quyết định xử phạt đối với vụ việc này có đúng không? Trong trường hợp phải cưỡng chế thi hành thì ai có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế?

VIETSAVY trả lời:

  1. Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Thứ nhất, điểm a, điểm b khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:

“4. Trường hợp xử phạt một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được xác định theo nguyên tắc sau đây:

a) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó;

b) Nếu hình thức, mức xử phạt, trị giá tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt”.

Như vậy, theo quy định trên, trong trường hợp hình thức xử phạt (bao gồm hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung), mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với từng hành vi đều thuộc thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì thẩm quyền xử phạt vẫn thuộc người đó. Trong trường hợp hình thức xử phạt (bao gồm hình thức xử phạt chính và hình thức xử phạt bổ sung), mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả được quy định đối với một trong các hành vi vượt quá thẩm quyền của người xử phạt vi phạm hành chính thì người đó phải chuyển vụ vi phạm đến cấp có thẩm quyền xử phạt.

Thứ hai, khoản 2 và khoản 5 Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP  ngày 10/11/2014 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định:

“2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này”.

Như vậy, căn cứ vào quy định này, đối với hành vi chiếm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở (không thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP) thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, bị buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và buộc trả lại đất đã chiếm.

Thứ ba, theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền phạt tiền đến 5.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm mà không có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại đất đã chiếm.

Căn cứ vào các quy định nêu trên, đối chiếu với trường hợp xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, nhận thấy, hình thức xử phạt, mức xử phạt và 01 biện pháp khắc phục hậu quả (biện pháp buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm) thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường A nhưng 01 biện pháp khắc phục hậu quả (biện pháp buộc trả lại đất đã chiếm) thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP), do đó, theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, vụ việc vi phạm phải được chuyển đến cấp có thẩm quyền là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để thực hiện xử phạt. Căn cứ vào các quy định có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trong đó, phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: (1) buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm và (2) buộc trả lại đất đã chiếm. Việc UBND phường A ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chiếm đất phi nông nghiệp không phải là đất ở theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 102/2014/NĐ-CP và chỉ áp dụng hình thức phạt tiền là 4.000.000 đồng và 01 biện pháp khắc phục hậu quả buộc trả lại đất đã chiếm là vi phạm về thẩm quyền xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả không đầy đủ đối với hành vi vi phạm hành chính.

  1. Về thẩm quyền quyết định cưỡng chế

Theo quy định tại khoản 1 Điều 86 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì “Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt được áp dụng trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt theo quy định tại Điều 73 của Luật này”.

Điều 87 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định:

“1. Những người sau đây có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế:

a) Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp;

2. Người có thẩm quyền cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều này có thể giao quyền cho cấp phó. Việc giao quyền chỉ được thực hiện khi cấp trưởng vắng mặt và phải được thể hiện bằng văn bản, trong đó xác định rõ phạm vi, nội dung, thời hạn được giao quyền. Cấp phó được giao quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước cấp trưởng và trước pháp luật. Người được giao quyền không được giao quyền, ủy quyền tiếp cho bất kì cá nhân nào khác”.

Như vậy, đối chiếu các quy định đã nêu với trường hợp trên, sau khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nếu cá nhân, tổ chức bị xử phạt không tự nguyện chấp hành quyết định theo quy định tại Điều 73 của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện (trong trường hợp được giao quyền) có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt.

 

==============================================

Công ty Luật TNHH VIETSAVVY

Địa chỉ: 06/61, đường Phạm Tuấn Tài, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, Việt Nam.

 Số điện thoại: 0975.879.

Email: vietsavvy@gmail.com

Website: vietsavvy.vn

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ