THAY ĐỔI, RÚT LẠI ĐỀ NGHỊ GIAO KẾT HỢP ĐỒNG MỚI NHẤT

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG

Gia đình tôi đang sử dụng dịch vụ tập thể dục tại một Trung tâm ở Hà Nội. Thời hạn của thẻ thành viên là tháng 5 năm 2019. Có thể vì thế mà đầu tháng 4 vừa rồi, tôi nhận được email thông báo gói gia hạn 2 năm. Đồng thời, nếu đồng ý ký tiếp hợp đồng và thanh toán 100% phí cho cả gia đình trước ngày 15/4/2019, tôi sẽ được cộng thêm 6 tháng.Tuy nhiên, ngày 14/4/2019 tôi liên hệ lại để làm thủ tục gia hạn thì đại diện của Trung tâm này trả lời đã bán hết gói ưu đãi đó. Nếu muốn, tôi phải chấp nhận ký hợp đồng mới.

Xin hỏi, Trung tâm thể dục hành xử như vậy có được coi là vi phạm nghĩa vụ giao kết hợp đồng với gia đình tôi hay không?

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ

Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự năm 2015, “Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự”.

Đề nghị giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 386 của Bộ luật này như sau:

“1. Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng (sau đây gọi chung là bên được đề nghị).

2.Trường hợp đề nghị giao kết hợp đồng có nêu rõ thời hạn trả lời, nếu bên đề nghị lại giao kết hợp đồng với người thứ ba trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời thì phải bồi thường thiệt hại cho bên được đề nghị mà không được giao kết hợp đồng nếu có thiệt hại phát sinh”.

Như vậy, có thể hiểu việc Trung tâm thể dục gửi thư điện tử cho bạn thông báo gói gia hạn tập luyện, với các nội dung về thời hạn gia hạn, thời hạn thanh toán, mức phí, ưu đãi… được coi là đề nghị bạn giao kết hợp đồng. Đề nghị này có nêu rõ thời hạn bạn chấp nhận ký kết hợp đồng trước ngày 15/4/2019 sẽ được ưu đãi cộng 6 tháng tập luyện. Cho nên, về nguyên tắc khi bạn đồng ý giao kết hợp đồng ngày 14/4/2019 họ lại thông báo đã bán hết gói ưu đãi đó là không đúng thỏa thuận và quy định nêu trên. Nếu có thiệt hại thực tế xảy ra, bạn có quyền yêu cầu Trung tâm này bồi thường do còn trong thời hạn chờ bạn trả lời đề nghị giao kết hợp đồng mà họ lại bán cho người khác.

Cũng cần lưu ý, chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị. Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.

Bên cạnh đó, bạn nên kiểm tra lại xem mình có nhận được thông báo của Trung tâm thể dục về việc thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng hoặc huỷ bỏ đề nghị giao kết hợp đồng hay không?

Điều 389 của Bộ luật này quy định về thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng như sau:

“1. Bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể thay đổi, rút lại đề nghị giao kết hợp đồng trong trường hợp sau đây:

a) Bên được đề nghị nhận được thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị trước hoặc cùng với thời điểm nhận được đề nghị;

b) Điều kiện thay đổi hoặc rút lại đề nghị phát sinh trong trường hợp bên đề nghị có nêu rõ về việc được thay đổi hoặc rút lại đề nghị khi điều kiện đó phát sinh.

2. Khi bên đề nghị thay đổi nội dung của đề nghị thì đó là đề nghị mới”.

Theo Điều 390 của Bộ luật này, “bên đề nghị giao kết hợp đồng có thể huỷ bỏ đề nghị nếu đã nêu rõ quyền này trong đề nghị và bên được đề nghị nhận được thông báo về việc hủy bỏ đề nghị trước khi người này gửi thông báo chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng”.

Nếu bạn nhận được các thông tin và đáp ứng điều kiện nêu trên, đề nghị giao kết hợp đồng của Trung tâm thể dục đối với bạn đã chấm dứt. Bởi vì, Điều 391 của Bộ luật này quy định đề nghị giao kết hợp đồng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:

“1. Bên được đề nghị chấp nhận giao kết hợp đồng;

2. Bên được đề nghị trả lời không chấp nhận;

3. Hết thời hạn trả lời chấp nhận;

4. Khi thông báo về việc thay đổi hoặc rút lại đề nghị có hiệu lực;

5. Khi thông báo về việc huỷ bỏ đề nghị có hiệu lực;

6. Theo thoả thuận của bên đề nghị và bên được đề nghị trong thời hạn chờ bên được đề nghị trả lời”.

Thêm nữa, trường hợp bạn đã chấp nhận giao kết hợp đồng nhưng lại nêu điều kiện hoặc sửa đổi đề nghị của Trung tâm thể dục, ví dụ như yêu cầu bổ sung ưu đãi, giảm phí… thì coi như bạn đã đưa ra đề nghị mới với họ. Việc họ có chấp nhận đề nghị mới này của bạn hay không theo quy định diễn giải nêu trên.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ