Thủ tục sửa đổi, bổ sung hợp đồng đã được công chứng mới nhất

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG

Sau khi công chứng hợp đồng ủy quyền mua bán xe, chúng tôi phát hiện có nội dung công chứng viên ghi nhận không chính xác thỏa thuận giữa hai bên; có nội dung nhầm lẫn về ký tự, ví dụ như dấu chấm hay dấu phảy của số tiền thù lao. Tiện thể, chúng tôi cũng muốn bổ sung thời hạn ủy quyền (trước đó không có nội dung này).

Xin hỏi các anh chị, trong trường hợp này, cần sửa đổi, bổ sung hay lập hợp đồng ủy quyền mới để công chứng lại? Thêm một vấn đề nữa, hiện nay, chúng tôi đều đang sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng, chưa sắp xếp được thời gian để cùng ra Hà Nội. Liệu có cách nào khác để chúng tôi vẫn có thể ký hợp đồng mới và công chứng lại hay không?

LUẬT SƯ TƯ VẤN

Hợp đồng ủy quyền, theo Điều 562 Bộ luật Dân sự năm 2015, “là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.

Pháp luật hiện nay không quy định hợp đồng ủy quyền bắt buộc phải công chứng, mà do các bên thỏa thuận.

Công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận tính xác thực, hợp pháp của hợp đồng, giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng, giao dịch), tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt (sau đây gọi là bản dịch) mà theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng

Điều 55 Luật Công chứng năm 2014 quy định về công chứng hợp đồng ủy quyền như sau:

“1. Khi công chứng các hợp đồng ủy quyền, công chứng viên có trách nhiệm kiểm tra kỹ hồ sơ, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên và hậu quả pháp lý của việc ủy quyền đó cho các bên tham gia.

2.Trong trường hợp bên ủy quyền và bên được ủy quyền không thể cùng đến một tổ chức hành nghề công chứng thì bên ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng hợp đồng ủy quyền; bên được ủy quyền yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi họ cư trú công chứng tiếp vào bản gốc hợp đồng ủy quyền này, hoàn tất thủ tục công chứng hợp đồng ủy quyền”.

Về nguyên tắc, khi thực hiện thủ tục công chứng, hai bên phải có mặt để được giải thích rõ quyền và nghĩa vụ của các bên, cũng như hậu quả pháp lý của việc ủy quyền, ký hợp đồng. Trường hợp không thực hiện được như vậy, mỗi bên có thể yêu cầu tổ chức hành nghề công chứng nơi mình cư trú công chứng vào cùng một hợp đồng ủy quyền.

Thông tin của bạn cho thấy, hai bên đã phát hiện ra công chứng viên ghi nhận không chính xác, nhầm lẫn về ký tự dẫn đến không đúng số tiền thù lao, đồng thời muốn bổ sung thêm thỏa thuận mới. Về vấn đề này, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Nếu đó chỉ là lỗi kỹ thuật cần sửa, việc thực hiện được quy định tại Điều 50 của Luật này. Đó là:

“1. Lỗi kỹ thuật là lỗi do sai sót trong khi ghi chép, đánh máy, in ấn trong văn bản công chứng mà việc sửa lỗi đó không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng, giao dịch.

2.Việc sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật.

3.Công chứng viên thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật có trách nhiệm đối chiếu từng lỗi cần sửa với các giấy tờ trong hồ sơ công chứng, gạch chân chỗ cần sửa, sau đó ghi chữ, dấu hoặc con số đã được sửa vào bên lề kèm theo chữ ký của mình và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng. Công chứng viên có trách nhiệm thông báo việc sửa lỗi kỹ thuật đó cho người tham gia hợp đồng, giao dịch”.

Xác định lỗi kỹ thuật cần sửa không ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người tham gia hợp đồng, giao dịch, tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó sẽ thực hiện sửa lỗi kỹ thuật. Chỉ khi tổ chức hành nghề công chứng này chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng của các bạn thực hiện việc sửa lỗi kỹ thuật.

Nếu các bạn có thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng ủy quyền, việc thực hiện được quy định tại Điều 51 của Luật này như sau:

“1. Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó.

2.Việc công chứng sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó và do công chứng viên tiến hành. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch.

3.Thủ tục công chứng việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện như thủ tục công chứng hợp đồng, giao dịch quy định tại Chương này”.

Cũng như trường hợp sửa lỗi kỹ thuật trong văn bản công chứng, việc công chứng sửa đổi, bổ sung hợp đồng, giao dịch đã được công chứng được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Chỉ khi tổ chức hành nghề công chứng này chấm dứt hoạt động, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc giải thể thì tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng của các bạn thực hiện việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ