Thuê nhà ở trọ phải đăng ký tạm trú không?

CÂU HỎI:

Năm nay cháu chuyển ra học trường chuyên ở nội thành, nên cháu được bố mẹ thuê cho một căn hộ chung cư gần đó để ở cùng với một số bạn nữa.

Các cô các chú cho cháu hỏi:

– Cuối tuần chúng cháu về nhà bố mẹ thì những ngày ở nhà thuê có được gọi là thay đổi nơi cư trú hay không?

– Chúng cháu mới 16 tuổi thì có phải đăng ký tạm trú hay không?

Cháu xin cảm ơn.

LUẬT SƯ TƯ VẤN

Chào các cháu, vấn đề các cháu quan tâm, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo khoản 1 Điều 12 Luật Cư trú năm 2006, “Nơi cư trú của công dân là chỗ ở hợp pháp mà người đó thường xuyên sinh sống. Nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú.

Chỗ ở hợp pháp là nhà ở, phương tiện hoặc nhà khác mà công dân sử dụng để cư trú. Chỗ ở hợp pháp có thể thuộc quyền sở hữu của công dân hoặc được cơ quan, tổ chức, cá nhân cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ theo quy định của pháp luật.

Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú.

Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký tạm trú”.

Như vậy, nơi cư trú của công dân là nơi thường trú hoặc nơi tạm trú. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống thường xuyên, ổn định, không có thời hạn tại một chỗ ở nhất định và đã đăng ký thường trú, thể hiện trên sổ hộ khẩu và các giấy tờ tùy thân như Giấy chứng minh nhân dân, căn cước công dân… Nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống ngoài nơi đăng ký thường trú và đã đăng ký thường trú.

Pháp luật hiện nay chỉ quy định về việc thay đổi nơi đăng ký thường trú. Đối với trường hợp của các cháu khi thuê nhà để ở được hiểu là nơi tạm trú.

Việc đăng ký tạm trú được quy định  tại Điều 30 của Luật này. Đó là:

“1. Đăng ký tạm trú là việc công dân đăng ký nơi tạm trú của mình với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và được cơ quan này làm thủ tục đăng ký tạm trú, cấp sổ tạm trú cho họ.

2.Ng­ười đang sinh sống, làm việc, lao động, học tập tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn nhưng không thuộc trường hợp được đăng ký thường trú tại địa phương đó thì trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày đến phải đăng ký tạm trú tại Công an xã, phường, thị trấn.

3.Người đến đăng ký tạm trú phải xuất trình giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó đã đăng ký thường trú; giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hoặc sử dụng nhà ở đó; nộp phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, bản khai nhân khẩu; trường hợp chỗ ở hợp pháp là nhà do thuê, mượn hoặc ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản.

4.Trưởng Công an xã, phường, thị trấn trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ quy định tại khoản 3 Điều này phải cấp sổ tạm trú theo mẫu quy định của Bộ Công an.

Sổ tạm trú được cấp cho hộ gia đình hoặc cá nhân đã đăng ký tạm trú, có giá trị xác định nơi tạm trú của công dân và không xác định thời hạn.

Việc điều chỉnh thay đổi về sổ tạm trú được thực hiện theo quy định tại Điều 29 của Luật này. Sổ tạm trú bị hư hỏng thì được đổi, bị mất thì được cấp lại. Trường hợp đến tạm trú tại xã, phường, thị trấn khác thì phải đăng ký lại.

5.Trường hợp người đã đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống, làm việc, lao động, học tập từ sáu tháng trở lên tại địa phương đã đăng ký tạm trú thì cơ quan đã cấp sổ tạm trú phải xoá tên người đó trong sổ đăng ký tạm trú”.

Căn cứ quy định nêu trên, trong thời hạn ba mươi ngày các cháu phải thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú, chuẩn bị đầy đủ giấy tờ nêu tại khoản 3 Điều này, nộp tại Công an Phường nơi quản lý địa bàn các cháu thuê nhà để được giải quyết.

Hồ sơ đăng ký tạm trú được hướng dẫn tại khoản 1 Điều 16 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/09/2014 bao gồm:

“a) Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu; bản khai nhân khẩu (đối với các trường hợp phải khai bản khai nhân khẩu);

b) Giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 31/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp được chủ hộ có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú đồng ý cho đăng ký tạm trú thì không cần xuất trình giấy tờ, tài liệu chứng minh chỗ ở hợp pháp). Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình và ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ, tên; trường hợp người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đã có ý kiến bằng văn bản đồng ý cho đăng ký tạm trú vào chỗ ở của mình thì không phải ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu.

Xuất trình chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có xác nhận của Công an xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú”.

Lưu ý, khi các cháu thuê nhà, việc tạm trú được chủ hộ đồng ý cho nhập vào sổ tạm trú hoặc đồng ý cho đăng ký tạm trú tại nơi thường trú của chủ hộ thì sự đồng ý phải được ghi vào phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu, ký, ghi rõ họ tên và ngày, tháng, năm.

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ, Trưởng Công an Phường phải cấp sổ tạm trú cho các cháu.

Tóm lại, đăng ký tạm trú là nghĩa vụ bắt buộc. Nếu các cháu không thực hiện là vi phạm pháp luật về cư trú, sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi được quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013. Bao gồm:

“a) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, sổ tạm trú

b) Cá nhân, chủ hộ gia đình không thực hiện đúng quy định về thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng;

c) Không chấp hành việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra tạm trú, kiểm tra lưu trú hoặc không xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác liên quan đến cư trú theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền”.

Các cháu có thể tự thực hiện thủ tục đăng ký tạm trú hoặc nhờ người khác thực hiện thủ tục này.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ