Người thì nói bố mẹ quản lý số tiền này là đương nhiên. Bởi vì, thứ nhất các con chưa đến tuổi được sử dụng tiền; thứ hai, bố mẹ cũng phải mừng tuổi con người khác nên khoản tiền này chỉ là để bù đắp lại. Có người lại cho rằng về nguyên tắc các con có quyền sở hữu và tiêu số tiền này. Nếu bố mẹ giữ thì chỉ là quản lý hộ cho con mà thôi.
Rất mong các anh chị giải đáp quan điểm nào là đúng nhất?
Trả lời
Số tiền mừng tuổi mà các con có được, dù nhiều hay ít cũng là tài sản. Bởi vì, Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:
“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
Do vậy, về nguyên tắc, người sở hữu có quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt đối với tiền mừng tuổi. Theo khoản 2 Điều 160 của Bộ luật này, “người sở hữu được thực hiện mọi hành vi theo ý chí của mình đối với tài sản nhưng không được trái với quy định của luật, gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Thêm nữa, Điều 75 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định quyền có tài sản riêng của con như sau:
“1. Con có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và thu nhập hợp pháp khác. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của con cũng là tài sản riêng của con.
2. Con từ đủ 15 tuổi trở lên sống chung với cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm lo đời sống chung của gia đình; đóng góp vào việc đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình nếu có thu nhập.
3. Con đã thành niên có nghĩa vụ đóng góp thu nhập vào việc đáp ứng nhu cầu của gia đình theo quy định tại khoản 4 Điều 70 của Luật này”.
Số tiền mừng tuổi chính là tài sản con được tặng cho riêng và là tài sản riêng của con. Cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; Cha hoặc mẹ có quyền tự mình thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình… Đồng thời, cha mẹ cũng phải chịu trách nhiệm liên đới về việc thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản của con trong các trường hợp này.
Cụ thể, việc quản lý tài sản riêng của con được quy định tại Điều 76 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
“1. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.
2. Tài sản riêng của con dưới 15 tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự do cha mẹ quản lý. Cha mẹ có thể ủy quyền cho người khác quản lý tài sản riêng của con. Tài sản riêng của con do cha mẹ hoặc người khác quản lý được giao lại cho con khi con từ đủ 15 tuổi trở lên hoặc khi con khôi phục năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp cha mẹ và con có thỏa thuận khác.
3. Cha mẹ không quản lý tài sản riêng của con trong trường hợp con đang được người khác giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự; người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
4. Trong trường hợp cha mẹ đang quản lý tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự mà con được giao cho người khác giám hộ thì tài sản riêng của con được giao lại cho người giám hộ quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự”.
Việc định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự được quy định tại Điều 77 của Luật này. Đó là:
“1. Trường hợp cha mẹ hoặc người giám hộ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, nếu con từ đủ 09 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng, trừ trường hợp tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ hoặc người giám hộ.
3. Trong trường hợp con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự thì việc định đoạt tài sản riêng của con do người giám hộ thực hiện”.
Tóm lại, con có quyền có tài sản riêng. Tiền được người khác mừng tuổi là tài siền của con. Bố mẹ có thể quản lý, định đoạt số tiền này trong các trường hợp và phải thực hiện đúng các quy định nêu trên.