Do một sự nhầm lẫn khi đăng ký khai sinh lại ghi dân tộc của em theo mẹ. Nay em muốn được đổi lại theo dân tộc của bố cho thống nhất với anh trai và em gái út em thì có được không? Nếu được thì trên sổ hộ khẩu có phải điều chỉnh tương ứng hay không?
Trả lời:
Xác định, xác định lại dân tộc là quyền nhân thân của cá nhân. Quyền nhân thân là quyền dân sự gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác, trừ trường hợp pháp luật có liên quan quy định khác.
Theo khoản 11 Điều 4 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13, “xác định lại dân tộc là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký xác định lại dân tộc của cá nhân theo quy định của Bộ luật dân sự”.
Khoản 2 Điều 29 Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 quy định: “Cá nhân khi sinh ra được xác định dân tộc theo dân tộc của cha đẻ, mẹ đẻ. Trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha đẻ, mẹ đẻ; trường hợp không có thỏa thuận thì dân tộc của con được xác định theo tập quán; trường hợp tập quán khác nhau thì dân tộc của con được xác định theo tập quán của dân tộc ít người hơn”.
Như vậy, thông tin của bạn cho thấy bố mẹ bạn thuộc hai dân tộc khác nhau, nên việc khai sinh cho bạn ghi theo dân tộc của bố hay mẹ bạn đều đúng quy định của pháp luật.
Theo khoản 3 của Điều này, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định lại dân tộc trong trường hợp sau đây:
“a) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ thuộc hai dân tộc khác nhau;
b) Xác định lại theo dân tộc của cha đẻ hoặc mẹ đẻ trong trường hợp con nuôi đã xác định được cha đẻ, mẹ đẻ của mình”.
Tóm lại, bạn thuộc trường hợp xác định lại dân tộc theo dân tộc của cha (đổi từ dân tộc của mẹ sang dân tộc của cha). Lưu ý, việc xác định lại dân tộc cho người từ đủ mười lăm tuổi đến dưới mười tám tuổi phải được sự đồng ý của người đó. Đồng thời, pháp luật cấm lợi dụng việc xác định lại dân tộc nhằm mục đích trục lợi hoặc gây chia rẽ, phương hại đến sự đoàn kết của các dân tộc Việt Nam.
Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc được quy định tại Điều 47 Luật Hộ tịch số 60/2014/QH13 như sau:
“1. Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch được áp dụng theo quy định tại Điều 28 của Luật này.
Trường hợp yêu cầu xác định lại dân tộc thì phải có giấy tờ làm căn cứ chứng minh theo quy định của pháp luật; trình tự được thực hiện theo quy định tại Điều 28 của Luật này.
- Thủ tục yêu cầu bổ sung thông tin hộ tịch được áp dụng theo quy định tại Điều 29 của Luật này”.
Cụ thể, người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu. Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn. Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch. Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch.
Bạn cần chuẩn bị hồ sơ như trên, nộp tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của bạn để được xem xét giải quyết đề nghị xác định lại dân tộc. Bởi vì, thao khoản 3 Điều 46 của Luật này, “Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của cá nhân có thẩm quyền giải quyết việc thay đổi, cải chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước; xác định lại dân tộc”.
Về việc điều chỉnh thay đổi trong sổ hộ khẩu khi xác định lại dân tộc, theo điểm a khoản 2 Điều 12 Thông tư số 35/2014/TT-BCA ngày 09/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Công an, “trong thời hạn 30 (ba mươi) ngày, kể từ ngày có quyết định thay đổi về họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh hoặc các thay đổi khác về hộ tịch của cơ quan có thẩm quyền thì chủ hộ hoặc người có thay đổi hoặc người đại diện trong hộ phải làm thủ tục điều chỉnh trong sổ hộ khẩu”.
Trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh những thay đổi trong sổ hộ khẩu, Công an huyện, quận, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Công an thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải thông báo cho tàng thư căn cước công dân và Công an xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người có thay đổi.