Trường hợp nào được thay đổi tên cho con trình tự thủ tục mới nhất

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Vợ chồng em gái tôi muốn đổi tên cho con vì cháu hay ốm vặt, thầy phong thủy bảo tên hiện tại không hợp với mệnh. Thêm nữa, mới đây tra lại gia phả của gia đình lại phát hiện tên cháu còn trùng với tên của cụ họ.

Tuy nhiên, có bác hàng xóm làm cán bộ hành chính nghỉ hưu khuyên rằng không nên đổi tên cho cháu vì: Thứ nhất, tên gọi không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Thứ hai, chỉ có cháu mới quyết định việc xin đổi tên trên giấy khai sinh của mình, nhưng vì cháu quá nhỏ pháp luật chưa cho phép và cháu cũng không thể làm được việc này.

Xin hỏi các anh chị:

– Trường hợp nào được thay đổi tên?

-Nếu được thay đổi, bố mẹ cháu có thể quyết định hay phải chờ khi cháu lớn? Thủ tục thực hiện như thế nào?

TƯ VẤN CỦA LUẬT SƯ:

Điều 28 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền thay đổi tên như sau:

“1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;

b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;

c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;

d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;

đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;

e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;

g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.

2.Việc thay đổi tên cho người từ đủ chín tuổi trở lên phải có sự đồng ý của người đó.

3.Việc thay đổi tên của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ”.

Như vậy, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên. Lý do thay đổi tên để hợp với phong thủy bản mệnh hay sức khỏe không thuộc các trường hợp nêu trên. Từ thông tin của bạn có thể thấy, lý do thay đổi tên của  cháu là do trùng tên với cụ họ, việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình.

Cháu còn nhỏ, chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có nghĩa là chưa thể tự mình thực hiện được thủ tục này, bố mẹ cháu có thể yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên cho cháu với tư cách của người đại diện. Bởi vì, quy định về đại diện theo pháp luật của cá nhân, theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự năm 2015 là “cha, mẹ đối với con chưa thành niên”.

Thủ tục đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch được quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch năm 2014. Đó là:

“1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2.Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

3.Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Ủy ban nhân dân nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào Sổ hộ tịch.

Trường hợp nơi đăng ký hộ tịch trước đây là Cơ quan đại diện thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến Bộ Ngoại giao để chuyển đến Cơ quan đại diện ghi vào Sổ hộ tịch”.

Cũng cần lưu ý, theo khoản 1 Điều 7 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ, “việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó”. Có nghĩa là, khi vợ chồng em gái bạn làm thủ tục thay đổi tên cho con thì phải có sự đồng ý của cả hai người, thêm nữa, nếu cháu từ đủ chín tuổi trở lên, việc thay đổi tên phải có sự đồng ý của cháu.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ