Xử lý vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng
Trong một lần họp lớp, chị gái tôi có chụp ảnh cùng với anh bạn cũ và người này đăng lên facebook cùng với mấy câu trêu đùa. Anh rể tôi biết được đã làm ầm lên. Thậm chí mắng chửi chị gái tôi, rồi lấy quần áo bỏ lên công ty ở.
Mặc dù chị gái tôi đã nhiều lần thuyết phục, bố mẹ hai bên cũng ý kiến nhưng anh rể tôi không về.
Mới đây, nghe một số người thông tin và tìm hiểu tận nơi, chị gái tôi phát hiện trong thời gian bỏ nhà đi và ở công ty, anh rể tôi đã sống chung với một cô nhân viên. Cô này hiện đã có thai hơn 2 tháng.
Chị gái tôi đã nói chuyện thẳng thắn, đồng thời đề nghị nếu không sống được với nhau thì ly hôn. Tuy nhiên, anh rể tôi trả lời rằng để cô nhân viên kia đẻ xong, nếu xét nghiệm AND đứa trẻ đúng là con anh thì chị muốn thế nào cũng được.
Xin hỏi: Anh rể tôi và cô nhân viên có vi phạm pháp luật hay không? Nếu có thì họ có thể bị xử lý như thế nào?
Trả lời:
Hôn nhân, theo khoản 1 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn”.
Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập, thực hiện theo quy định của pháp luật được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Cụ thể, khoản 2 Điều 5 của Luật này quy định cấm các hành vi sau đây:
“a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn;
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn;
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính;
h) Bạo lực gia đình;
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi”.
Theo thông tin bạn cung cấp, vợ chồng chị gái bạn vẫn tồn tại quan hệ hôn nhân. Khi có mâu thuẫn, anh rể bạn đã bỏ đi và sinh sống với một cô nhân viên, đặc biệt là người này lại đã có thai. Nghĩa là, anh rể bạn và cô nhân viên đã vi phạm điều cấm nêu trên của pháp luật hôn nhân và gia đình.
Đồng thời, theo khoản 3 Điều 5 của luật này, “mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình”.
Hiện nay, pháp luật áp dụng hai chế tài đối với hành vi này. Đó là xử phạt vi phạm hành chính và truy cứu trách nhiệm hình sự.
– Xử phạt vi phạm hành chính:
Theo điểm a, b và c khoản 1 Điều 48 Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ, anh rể bạn và cô nhân viên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
“a) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ;
b) Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác;
c) Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ”.
– Xử lý hình sự:
Điều 147 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng như sau:
“1. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
2. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.
Chung sống như vợ chồng, theo điểm 3.1 mục 3 Thông tư liên tịch số 01/2001/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC ngày 25/9/2001 của Bộ Tư pháp – Bộ Công an – Tòa án nhân dân tối cao – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, “là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà lại chung sống với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn tiếp tục duy trì quan hệ đó…”
Điểm 3.2 của mục này quy định chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
“a) Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng gây hậu quả nghiêm trọng.
Hậu quả nghiêm trọng có thể là làm cho gia đình của một hoặc cả hai bên tan vỡ dẫn đến ly hôn, vợ hoặc chồng, con vì thế mà tự sát, v.v…
b) Người vi phạm chế độ một vợ, một chồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm”.
Tóm lại, hành vi chung sống với nhau như vợ chồng của anh rể bạn và cô nhân viên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền nêu trên. Họ chỉ có thể bị xem xét chịu trách nhiệm hình sự nếu gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn tái phạm.