Văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng, chứng thực

CÂU HỎI CỦA KHÁCH HÀNG:

Chúng tôi chuẩn bị kết hôn. Vì cả hai đều làm kinh doanh và có doanh nghiệp riêng, một số tài sản đã đầu tư, góp vốn và dự phòng rủi ro phát sinh sau hôn nhân nên chúng tôi muốn xác định sở hữu rõ ràng chung, riêng.

Xin hỏi, chúng tôi có thể thỏa thuận về nội dung này hay không? Nếu được thì văn bản thỏa thuận ban đầu và khi thay đổi có cần công chứng, chứng thực hay không?

LUẬT SƯ TƯ VẤN:

Điều 28 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

“1. Vợ chồng có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo luật định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định được thực hiện theo quy định tại các điều từ Điều 33 đến Điều 46 và từ Điều 59 đến Điều 64 của Luật này.

Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được thực hiện theo quy định tại các điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật này.

2.Các quy định tại các điều 29, 30, 31 và 32 của Luật này được áp dụng không phụ thuộc vào chế độ tài sản mà vợ chồng đã lựa chọn.

3.Chính phủ quy định chi tiết về chế độ tài sản của vợ chồng”.

Như vậy, về nguyên tắc các bạn có quyền lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận. Theo Điều 47 của Luật này, “trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.

Có nghĩa là, khi lựa chọn áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận, các bạn phải lập thành văn bản trước khi kết hôn, có công chứng hoặc chứng thực. Nội dung cơ bản của thỏa thuận này, theo khoản 1 Điều 48 của Luật này bao gồm:

“a) Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan; tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình;

c) Điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản;

d) Nội dung khác có liên quan”.

Hướng dẫn chi tiết nội dung này, Điều 15 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2016 của Chính phủ quy định:

“1. Trường hợp lựa chọn áp dụng chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì vợ chồng có thể thỏa thuận về xác định tài sản theo một trong các nội dung sau đây:

a) Tài sản giữa vợ và chồng bao gồm tài sản chung và tài sản riêng của vợ, chồng;

b) Giữa vợ và chồng không có tài sản riêng của vợ, chồng mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn hoặc trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc tài sản chung;

c) Giữa vợ và chồng không có tài sản chung mà tất cả tài sản do vợ, chồng có được trước khi kết hôn và trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu riêng của người có được tài sản đó;

d) Xác định theo thỏa thuận khác của vợ chồng.

2.Thỏa thuận về tài sản của vợ chồng phải phù hợp với quy định tại các Điều 29, 30, 31 và 32 của Luật Hôn nhân và gia đình. Nếu vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa thuận vô hiệu theo quy định tại Điều 50 của Luật Hôn nhân và gia đình”.

Chế độ tài sản theo thỏa thuận của các bạn được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn. Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng bạn có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định. Bởi vì, Điều 49 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:

“1. Vợ chồng có quyền sửa đổi, bổ sung thỏa thuận về chế độ tài sản.

2.Hình thức sửa đổi, bổ sung nội dung của thỏa thuận về chế độ tài sản theo thỏa thuận được áp dụng theo quy định tại Điều 47 của Luật này”.

Thêm nữa, Điều 17 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP nêu trên hướng dẫn việc sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng như sau:

“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được áp dụng thì trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ nội dung của chế độ tài sản đó hoặc áp dụng chế độ tài sản theo luật định.

2.Thỏa thuận sửa đổi, bổ sung nội dung của chế độ tài sản của vợ chồng phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật”.

Tóm lại, thỏa thuận về việc sửa đổi, bổ sung nội dung chế độ tài sản của vợ chồng cũng phải được lập thành văn bản. Thỏa thuận này có hiệu lực từ ngày được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ