CÓ PHẢI CẤP DƯỠNG CHO CON KHI KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN HAY KHÔNG?

CÂU HỎI: Chị gái tôi sống chung như vợ chồng với người khác, hai người có một con chung.

Khi cháu 1 tuổi, hai người chia tay. Chị gái tôi nuôi con, còn anh ấy đi lấy vợ. Do không làm thủ tục đăng ký kết hôn nên cũng không có chuyện ly hôn. Bố của cháu vì thế không có trách nhiệm gì với con, kể cả chu cấp tài chính hay thăm nom.

Không biết trong trường hợp như vậy, chị gái tôi có quyền yêu cầu bố của cháu thực hiện nghĩa vụ của bố đối với con dưới 18 tuổi hay không?

 

LUẬT SƯ TRẢ LỜI:

Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Theo khoản 7 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, “chung sống như vợ chồng là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng”.

Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch. Nếu hai người nam nữ sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn theo quy định thì không được pháp luật thừa nhận quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên, threo khoản 2 Điều 68 của Luật này, “con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.

Có nghĩa là, mặc dù bố mẹ của cháu không đăng ký kết hôn, quan hệ giữa hai người không được pháp luật thừa nhận là vợ chồng nhưng bố, mẹ cháu vẫn có các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con.

Cụ thể, Điều 15 của Luật này quy định: “Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.

Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con bao gồm: Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội; Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Theo khoản 1 Điều 71 của Luật này, “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.

Một trong những nghĩa vụ của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con là cấp dưỡng cho con. Điều 110 của Luật này quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Tóm lại, bố của cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng do bố mẹ cháu thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của bố và nhu cầu thiết yếu của con; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

Nếu bố của cháu trốn tránh trách nhiệm, với tư cách người giám hộ đương nhiên, mẹ của cháu có quyền yêu cầu bố của cháu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng. Bởi vì, Điều 119 của Luật này quy định:

“1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó”.

Gọi điện cho tôi Gửi tin nhắn Facebook Messenger Chat Zalo Xem bản đồ
Gọi ngay Form Liên hệ Messenger Zalo Bản đồ